Đại biểu QH chất vấn lý do phải khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo tuyến?

Vì sao cần khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo tuyến? 1
KCB không đúng tuyến là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải ở các BV TW.

Bắt buộc tham gia BHYT

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, tại kỳ họp thứ 6 (kết thúc tháng 11/2013), Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này, trên cơ sở đó UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.

Theo đó, quy định bắt buộc tham gia BHYT nhận được sự quan tâm lớn. UBTVQH cho rằng, việc quy định bắt buộc tham gia BHYT cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cho một số đối tượng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân). Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe nhân dân, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng…. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH thống nhất dự thảo Luật quy định BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng.

Một nội dung khác cũng được các thành viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội bàn thảo trong phiên họp hôm qua là vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Báo cáo của UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về tuyến khám chữa bệnh, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT khi tới bất kỳ cơ sở y tế nào. UBTVQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, quy định về tuyến khám chữa bệnh với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý. Việc người có thẻ BHYT có thể đi đến bất cứ bệnh viện tuyến nào để khám chữa bệnh và được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ thường chỉ áp dụng với BHYT tư nhân/thương mại. Hiện nay, các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này sẽ làm tăng đột biến số lượng người dân đến các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, làm tình trạng quá tải bệnh viện càng tăng thêm.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật BHYT lý giải: “Theo thống kê chi phí của Bảo hiểm Xã hội và số khám chữa bệnh thì tuyến xã vẫn chiếm khoảng 50%, tuyến huyện khoảng 30-35%, tuyến tỉnh khoảng 30-35%, tuyến Trung ương thực ra chỉ hơn 10%, nhưng lên đến tuyến Trung ương thì chi phí lớn… Thực tế, có những trạm y tế xã khám 40 bệnh nhân trong một buổi sáng, thậm chí có nơi đến 100 bệnh nhân. Vượt tuyến ở những bệnh người dân cảm thấy nặng, không tin tưởng tuyến dưới. Ở các nước, nếu vượt tuyến, hoặc phải chi trả toàn bộ, hoặc chi phí rất cao. Nhưng với điều kiện của chúng ta hiện nay, vẫn cần dung hòa về tuyến khám chữa bệnh”.

Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta không quy định khám BHYT theo các tuyến thì tất cả đều đăng ký trên tuyến tỉnh, Trung ương thì không thể nào thực hiện được cho phù hợp tình hình thực tế.

Vẫn băn khoăn về kết hôn đồng giới

Một lần nữa, những vấn đề từng gây xôn xao dư luận như chuyện mang thai hộ; kết hôn đồng giới; chế định về ly thân, độ tuổi kết hôn, áp dụng tập quán… vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình được các đại biểu bàn thảo kỹ lưỡng. Sau phiên họp, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo của UBTVQH. Tuy nhiên, các nội dung như mang thai hộ, hôn nhân đồng giới, tuổi kết hôn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Với mang thai hộ, một số vấn đề đại biểu đặt ra cần tiếp tục bàn thảo trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (diễn ra trong tháng 5 tới) như: Người mang thai hộ sinh đôi, sinh ba… sẽ xử lý ra sao? Trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng; người mang thai hộ ngoài sức khỏe, tinh thần, thì điều kiện vật chất như thế nào? Chi phí tài chính cho mang thai hộ lớn, người nghèo khó thực hiện được, liệu có gây bất bình đẳng giàu-nghèo? Người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ quan hệ ở mức độ cùng hàng hay chỉ cần là người thân thích? Tác động đến công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình như thế nào?...

Với kết hôn đồng giới, theo báo cáo, UBTVQH thống nhất bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của luật hiện hành và chuyển quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới” sang quy định về điều kiện kết hôn. Đồng thời, bỏ điều 16 quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Với độ tuổi kết hôn, UBTVQH đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến, bởi vẫn còn 2 quan điểm: Tán thành với quy định trong dự thảo là “Đủ 18 tuổi trở lên đối với cả nam và nữ”; Không tán thành, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là “Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên”.

Về việc sử dụng thẻ BHYT với trẻ em dưới 6 tuổi, UBTVQH sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu, đã chỉnh lý theo hướng trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ nhập học lớp 1 trong năm đó. Ngoài ra, các vấn đề về kết dư, quản lý quỹ, giảm mức cùng chi trả với người có công, bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an tham gia BHYT… cũng được UBTVQH tiếp thu, giải trình và chỉnh lý.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn