Đại biểu Quốc hội đề nghị chuẩn bị phương án kiện Trung Quốc

Phiên làm việc bắt đầu lúc 8g và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày vào đầu kỳ họp. Đại biểu Bảo cho rằng lúc này cần quan tâm đến việc giải ngân các kênh vốn, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, ví dụ như hiện nay có 21 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân được. Ông Bảo cũng cho rằng cần quan tâm đến việc phát triển các đặc khu kinh tế, nhất là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang).


Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nêu nhận định kinh tế vĩ mô nước ta đã được cải thiện tích cực. Trong thời gian tới cần tập trung cao độ cho tái cơ cấu nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn.

Về diễn biến tình hình hiện nay ở biển Đông, đại biểu Thực cho rằng bên cạnh đẩy mạnh hội nhập cần chú ý xây dựng nội lực, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh. Chúng ta cần kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam, chuẩn bị các phương án kể cả khởi kiện ra tòa án quốc tế. Ông Thực cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nội bộ ta đoàn kết thì chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng từ năm 2011 đến nay nền tảng ổn định của kinh tế vĩ mô đã ngày càng được củng cố, lạm phát ở mức thấp. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2013 và tiếp tục trong các tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn khó khăn, động lực tăng trưởng chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thời gian tới, cần chú ý đến việc phát triển cần bằng nền kinh tế, cùng với việc thu hút vốn FDI cần có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.

Ông Ngoạn cho biết đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa ủng hộ tuyệt đối các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước trước tình hình hiện nay trên biển Đông, chính nghĩa không đơn độc, do đó VN sẽ không đơn độc. “Chúng ta cần tăng cường đoàn kết dân tộc để thống nhất hành động”- Ông Ngoạn nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Thứ nhất là Việt Nam đang đẩy mạnh tham gia các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ hai là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Từ bối cảnh này, việc tham gia các hiệp định tự do thương mại mới, mở rộng và đa dạng. Hiện nay Trung Quốc là nhà thầu của rất nhiều nhà máy ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, nếu mở rộng thương mại sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì chúng ta sẽ có điều kiện nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị với giá hợp lý hơn từ các nền kinh tế phát triển, phần nào có thể cạnh tranh được với hàng từ Trung Quốc. Hiện nay gạo, cao su, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc rẻ mạt, nhưng ta chưa có nền công nghiệp chế biến phát triển, do vậy phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản. Yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế VN là tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

Theo ông Lộc, có ý kiến lo ngại về các hành động trả đũa từ Trung Quốc, tuy nhiên trong toàn cầu hóa thì Trung Quốc không dễ gì làm điều đó. Bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc đang có lợi ích từ thị trường Việt Nam. Ở bên cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc là lợi thế để đột phá nếu ta có một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên -Huế) cho rằng nên cho ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng tàu, trong đó có tàu vỏ thép, thay vì mức lãi suất 3% như Chính phủ đang dự kiến.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ có các kịch bản để ứng phó với tình hình.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội