Đẩy mạnh tuyên truyền không sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam

Chương trình do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam) và tổ chức Humane Society International (HSI) phối hợp thực hiện.

(Nguồn: WWF)

Chương trình này nằm trong khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác được Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tổ chức Humane Society International phát động từ tháng 8/2013 và sẽ kéo dài đến năm 2016.

Theo bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã của HSI, Việt Nam là một trong những nước bị bọn tội phạm buôn bán động vật hoang dã xem là trạm trung chuyển hàng đi các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Việt Nam cũng bị coi là nước có nhu cầu sử dụng sừng tê giác tăng cao trong thời gian gần đây.

Mặc dù kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên vẫn có những lời đồn thổi về công dụng chữa bệnh ung thư hoặc hạ sốt. Thực chất, sừng tê giác có cấu tạo bằng chất "keratine," hoàn toàn giống với móng tay của con người.

Thậm chí, bà Teresa Telecky cho biết để giúp tê giác không bị săn trộm, người ta đã tiêm các hóa chất độc hại vào sừng tê giác.

Bà Teresa Telecky nhận định việc tuyên truyền một cách rộng rãi thông điệp về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác có vai trò quan trọng để bảo vệ tê giác. Để việc tuyên truyền đạt được hiệu quả mong muốn tại Việt Nam, HSI đánh giá cao vai trò của các tổ chức xã hội.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết công tác tuyên truyền, vận động không sử dụng sừng tê giác là rất quan trọng, đặc biệt thông qua phụ nữ sẽ tạo ra tác động to lớn hơn.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào chiến dịch, cụ thể là lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt hội viên định kỳ của Hội đồng thời kêu gọi các tổ chức xã hội khác cùng tham gia.

Theo HSI, hiện trên thế giới còn khoảng 28.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Hai trong số năm loài tê giác phân bố ở châu Phi và ba loài còn lại phân bố ở châu Á.

Trong năm 2013, hơn 1.000 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở châu Phi, nơi có nhiều quần thể tê giác nhất sinh sống. Tê giác bị săn trộm để lấy sừng chủ yếu để phục vụ nhu cầu ở châu Á, trong đó có Việt Nam./.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội