Loài dê mang nhiều ý nghĩa trong các nền văn hóa phương Đông và phương Tây
Top 4 con giáp thành công nhất năm Ất Mùi
“Soi” sức khỏe 12 con giáp năm Ất Mùi
Góc nhìn thú vị quanh "12 con giáp"
Top 5 con giáp được Thần Tài hộ mệnh suốt đời
Trong các loài gia súc, con dê là loài có ý nghĩa tinh thần phong phú và có giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực tới đời sống văn hoá của nhiều nước, cả phương Đông và phương Tây. Hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau trong văn hóa Đông - Tây về biểu tượng hình ảnh con dê nhân dịp Tết Ất Mùi sắp đến:
văn hóa phương Tây
Dê là một trong 12 biểu tượng của Cung Hoàng Đạo trong văn hóa phương Tây. Dê còn làm hình tượng cho Dionyos. Dê cái là hình ảnh đáng kính yêu trong các huyền thoại phương Tây, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non đeo đuổi cuộc sống và lý tưởng, sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh. Ngược lại, dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục. Trong các xã hội xưa, đạo đức và tôn giáo tìm cách kìm hãm bản năng tính dục, thì sinh lực của chàng dê bị bêu riếu, phê phán, bị sử dụng như một thứ "dê tế thần, dê sứ giả". Trong thực tế, một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái và cũng từ đây dê đực lại bị gán cho thói dâm đãng. Đó có lẽ là “tính xấu” lớn nhất gắn liền với dê đực. Quan niệm này khá tương đồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Hình ảnh con dê gánh tội (oan dương) trong văn hóa phương Tây
Thần thoại Hy Lạp
Trong thần thoại Hy Lạp, con dê đực là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê. Pan sống trên non cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách. Nhưng truyền thuyết không nói đến dê biển mà nói đến Pan, một bán thần hay Á thần (demigod) có nửa trên là người, nửa dưới là dê và là con của thần Hermes và nữ thần rừng Nymph.
La Mã cổ đại
Trong dịp tế lễ cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm thời La Mã cổ đại, các thầy cúng thường dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa. Da dê sau đó được chia ra thành từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang theo mình như bùa hộ mệnh. Phụ nữ La Mã cũng tìm cách để chạm được vào miếng da dê tế thần, vì họ tin rằng làm như vậy sẽ tốt cho chuyện sinh nở sau này. Vì vậy, sau lễ hội, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da dê.
Bắc Âu
Trong thần thoại Bắc Âu, Thần Thor (Thần Sấm) cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực, mỗi khi người Bắc Âu cổ xưa nghe tiếng sấm, họ thường nói rằng thần Thor đang cưỡi cỗ xe của ngài đến.
Hình ảnh con dê trong thần thoại Bắc Âu
Kitô giáo
Trong Kitô giáo, hình ảnh con chiên, con dê rất gần gũi với người Do Thái từ mấy ngàn năm nay, như việc Chúa chào đời trong máng cỏ tại một cái hang có nhiều dê, lừa… thở ra hơi ấm. Kinh thánh còn đề cập đến hình tượng hai con dê dùng để hiến tế. Con thứ nhất là con dê tạ tội, bị giết để tạ tội với Chúa. Con thứ hai là con dê gánh tội, bị những người Do Thái trút lên mọi tội lỗi rồi đuổi vào sa mạc.
Hình ảnh những con dê trong Kinh thánh
Văn hóa phương Đông
Trong văn hóa phương Đông với thuyết 12 con giáp thì dê là con giáp đại biểu cho địa chi Mùi - một chi quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Trong 12 con giáp, Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu nhưng cũng không kém phần nhanh trí.
Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái vì sự đóng góp quan trọng của dê đối với đời sống con người. Một số dân tộc khác lại dùng dê làm vật tế thần. Người Ai Cập dùng dê dâng cho các ác thần để thay thế cho con người. Con dê đã đi vào văn hoá người Indonesia một cách sâu đậm. Nó đã trở thành món lễ vật chủ yếu và không thể thay thế ở một số lễ hội quan trọng như lễ hội Hurban, Akikah…, ngày cưới, hiếu hỉ và các dịp quan trọng khác.
Văn hóa Trung Quốc: Ở Trung Quốc có nhiều điển tích gắn liền với con dê, chứng tỏ nó gần gũi trong cuộc sống của người Trung Quốc. Nổi tiếng nhất là điển tích Dương xa (tức xe dê kéo), cụ thể: Vua Tấn Võ đế của Trung Quốc thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó; vì vậy hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non loại lá mà dê háu ăn rồi đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại.
Tranh vẽ về điển tích "Dương xa" của Trung Quốc
Văn hóa Việt Nam: Đối với người Việt Nam, dê cũng tạo ra giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam. Nó là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất trong Lục súc (gồm: Dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh là tam sinh (gồm: Dê, lợn, bò) trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi.
Hình ảnh dê trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Nếu như ở phương Tây, có trò chơi đếm cừu thì ở Việt Nam có trò bịt mắt bắt dê rất vui vẻ. Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày vui (Hội đầu xuân, trung thu..) hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận, đụng chạm về thể xác vui đùa với nhau, vượt qua ranh giới nam nữ của phong kiến.
Trong những ngày hội đầu xuân, trò chơi bịt mắt bắt dê để nam nữ cùng chơi, với ngụ ý cầu mong âm dương hòa thuận, mùa màng tươi tốt. Trong nghệ thuật, mô tả đặc sắc nhất về trò chơi dân gian này là bức "Bịt mắt bắt dê" của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) vẽ cảnh chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ mặt bịt kín đang lần mò tìm bắt nó.
Tranh dân gian Đông Hồ "Bịt mắt bắt dê"
Bình luận của bạn