Ngày Tết cần kiêng gì để không mất lộc?

Kiêng kỵ những điều xấu cho cả năm được suôn sẻ, may mắn

Nhớ cây nêu ngày Tết

Ngày Tết "đổi gió" với các món mứt lạ

Đậm đà hương vị cỗ Tết miền Trung

Bánh chưng ngày Tết: Ai không nên ăn?

Kiêng quét nhà, hót rác

Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không còn. Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc. Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi.

Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ. Từ đó có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt. Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác ba ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi. 

Người Việt kiêng hót rác trong 3 ngày Tết (Nguồn: Internet)

Kiêng cho nước, lửa

Người Việt rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình vào ngày mùng 1 Tết. Người Việt quan niệm lửa có màu đỏ, màu mang lại may mắn đầu năm mới, cho lửa đi là cho đi cái đỏ, cái may mắn trong năm mới... Đầu năm cho nước cũng coi như mất lộc. Xưa kia, khi nước còn phải gánh từ ao, hồ hoặc hứng trong chum, vại, thường ngày cuối năm, nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào các vật chứa. Từ trong tâm thức người Việt, hình ảnh nước đầy ăm ắp giống như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ. 

Kiêng vay mượn dịp Tết

Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh mất lòng nhau. Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu trong dịp Tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn.

Dịp Tết, không nên vay mượn tiền của người khác để tránh túng thiếu cả năm

Người có tang không nên xông nhà

Xuất phát từ phong tục xông nhà, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng 1 Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Kiêng làm vỡ các đồ vật

Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, là tín hiệu không thuận lợi của các mối quan hệ. Tuy vậy, đôi khi, việc làm vỡ bát đĩa vẫn xảy ra trong ngày Tết. Khi đó, người ta lại có cách trấn an để người thân được yên lòng, khỏi lấn bấn ngày đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén… sẽ khiến gia đình chia rẽ, bất hòa.

Người Việt rất kỵ làm vỡ đồ trong ngày Tết

Kiêng "yêu" dịp Tết vì sợ xui xẻo

Thời khắc chuyển giao giữa hai năm cũng là lúc khiến cơ thể như lấy lại tinh khí và thắm nồng tình cảm vợ chồng. Nhưng tục xưa lại kiêng “yêu” ngày Tết, vì sợ nếu có thai thì con cái sinh ra sẽ ốm yếu, sức khỏe hai người cũng bị ảnh hưởng. Có quan niệm cổ còn cho rằng “yêu” những ngày Tết sẽ gặp vận đen, thậm chí là đại hạn. Ngày nay quan niệm này đã bớt nặng nề hơn, nhưng một số cặp vợ chồng vẫn kiêng “chuyện ấy” trong những ngày Tết.

Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức