Đề xuất làm gấp đường ống nước "siêu tốc" 60 ngày

Lựa chọn phương án nào?

Hiện tại có hai phương án về công nghệ xây dựng đường ống nước mới là sử dụng đường ống thép hoặc đường ống HDPE.

Ống thép cuốn là lựa chọn đầu tiên trong việc xây dựng tuyến đường ống nước hỗ trợ. Loại vật liệu mới này được cho rằng có thể khắc phục được những nhược điểm của ống cốt sợi thủy tinh, chỉ có điều vật liệu mới có giá thành cao hơn. Ngoài ra, sự han rỉ và ăn mòn hàng năm có thể nuốt mất hàng chục triệu tấn sắt thép.


Đường ống thép
Còn ống nhựa HDPE ngày càng được sử dụng nhiều do những đặc tính như nhẹ nhàng, dễ vận chuyển, mặt trong, ngoài ống bóng, hệ số ma sát nhỏ. Độ bền cơ học và độ chịu va đập của đường ống cao, khi sử dụng đúng yêu cầu kỹ thuật độ bền không dưới 50 năm. Ngoài ra, loại ống này có độ uốn cao, chịu được sự chuyển động của đất (động đất), giá thành rẻ, chi phí lắp đặt thấp so với các loại ống khác. Đường ống HDPE có khả năng chống ăn mòn tốt, được chế tạo ra từ polyethylene mật độ cao, có khả năng kháng khuẩn, sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được chứng minh được đây là loại ống nước bền hơn so với những loại ống nước khác.


Đường ống HDPE

Về phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên tiến độ phải 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, đội tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai ngay.

Đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội nói, cách đây 6 năm, công ty cũng đã xử lý một trường hợp tương tự, vừa thiết kế, vừa thi công như bên tư vấn trình bày. Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, với phương án sử dụng ống gang, chôn tối thiểu ở độ sâu 1m, bình quân mỗi ngày một đội thi công có thể làm 500m. Như vậy, toàn tuyến 30km có thể làm xong trong 60 ngày.

Theo dự kiến, công nghệ đường ống được đưa ra có hai phương án là đường ống thép hoặc đường ống HDPE. Trong đó Sở Xây dựng đề xuất phương án sử dụng đường ống HDPE.

Được biết, tuyến đường nước mới do Thành phố đầu tư sẽ chủ động cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm. Khi đưa vào sử dụng (khoảng cuối tháng 8/2014) sẽ góp phần giảm tải cho đường ống nước Sông Đà hiện nay (còn khoảng 200.000m3/ngày đêm).

Sau này, khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 công suất còn thừa hiện nay của Nhà máy Nước Sông Đà và sử dụng cho Nhà máy Nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư.

Về việc làm tuyến ống nước thứ 2 khẩn cấp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng kết luận rằng: "Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày kể từ cuộc họp này; đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối".


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn