Thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết
"Người tính không bằng trời tính", câu này có vẻ khá đúng đối với các chuyến phượt. Thông thường, dân du lịch bụi hay sắp cung vào những dịp nghỉ lễ như: Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 ân lịch), 30/4 - 1/5, 2/9 vì đây là những dịp nghỉ dài và thuận lợi cho việc phượt mà không phải quá lo lắng đến chuyện công việc. Thời tiết thay đổi thất thường trong khi lịch trình cung đã được định sẵn do đó thành viên trong đoàn cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết của các tỉnh phải đi qua xuyên suốt hành trình, từ đó chuẩn bị chủ động trang phục, đồ ăn nước uống và những vật dụng dự phòng.
Tùy theo thời tiết để chuẩn bị đồ đoàn kỹ lưỡng
Nếu gần đến ngày đi nhưng thời tiết quá bất lợi, mưa bão lớn, đồi núi, đường sạt lở nghiêm trọng thì nên chuyển cung sang một thời điểm khác thích hợp hơn.
Kỹ lưỡng trang phục
Tùy vào những thông tin thời tiết mà bạn chuẩn bị quần áo cho phù hợp với tình hình thời tiết nóng, lạnh…. Áo chống nắng hoặc áo khoác nhất định không thể thiếu, vừa có tác dụng che nắng vừa giữ ấm nếu đoàn phải di chuyển xuyên đêm.
Trời mưa gió nên công tác giữ khô trang phục là rất quan trọng. Các loại quần áo nên được để trong các túi nilon riêng trước khi cho vào ba lô. Bên ngoài ba lô nên được phủ túi nilon to buộc chặt hoặc các loại túi bọc ba lô chuyên dụng được bán ở các cửa hàng dành riêng cho dân phượt.
Bên ngoài ba lô nên được bọc nilon hoặc túi đựng ba lô chuyên
dụng trước khi chằng lên xe
Áo mưa và ủng đi mưa cũng là loại vật dụng bắt buộc phải có. Áo mưa nên chọn áo mưa bộ, chất liệu nhẹ. Ủng nên trang bị ít nhất 2 đôi. Quần mưa phải trùm ủng, trách tình trạng ủng chùm gấu quần mưa sẽ khiến nước chảy theo luồng từ trên xuống và vẫn lọt được vào trong ủng, làm ướt giầy. Áo mưa và ủng nên để ở những chỗ dễ lấy, tránh để trong ba lô.
Vì ba lô thường được bọc nilon cẩn thận và chằng đằng sau xe máy, chỉ khi nào đoàn nghỉ chân hoặc dừng đổ xăng thì mới tháo ba lô nên các "ôm" nên mang theo một chiếc túi nhỏ luôn đeo bên người để đựng các vật dụng cá nhân hay phải dùng như ví tiền, kính mắt, khẩu trang…
Nên đi giày chuyên dụng, ôm chân và đế có độ ma sát cao, nếu không có thể chọn giày thể thao, tránh các loại giày búp bê. Nên mang thêm dép tổ ong hoặc dép lê, tông để khi dừng chân, dạo chơi có thể đi thay giày.
Bám sát đoàn
Vì thời tiết xấu mưa gió, sương mù, tầm nhìn hạn hẹp, đường sạt lở nên các xe nhất thiết phải đi theo vị trí đã được phân sẵn từ trước, tránh tình trạng vượt nhau gây lộn xộn. Lead (trưởng đoàn) có vai trò bao quát chung, đến các đoạn cua, đoạn rẽ có thể dừng lại để kiểm tra lại xem đã đủ xe của đoàn chưa. Xe "chốt" phải cố định là người đi cuối cùng đoàn. Tốt nhất nên phô tô danh sách tên tuổi, số điện thoại của tất cả thành viên trong đoàn rồi giao cho các "ôm" ngồi phía sau, nếu có sự cố xảy ra trên đường, "ôm" của xe đó sẽ gọi điện báo cho "ôm" của lead để dừng đoạn, đợi xử lý xong sự cố mới xuất phát tiếp.
Xe trong đoàn phải đảm bảo thứ tự
Để tránh lạc đoàn và gia nhập vào các đoàn khác khi chạm mặt nhau trên một đường nào đó, mỗi đoàn nên có những ký hiệu nhận biết riêng: mặc áo phản quang, dán phản quang trên mũ bảo hiểm… Những xe đi trước nếu thấy đường xấu, có ổ gà hoặc có ô tô đi ngược chiều thì "ôm" nên có các động tác tay để cảnh báo cho xe đi phía sau.
Thay đổi lịch trình cung nếu cần thiết
Vì thời tiết xấu việc chạy xe máy rất vất vả nên trưởng đoàn nên
tùy vào tình hình sức khỏe của tất cả "xế", "ôm" để xem lịch trình cung có thể hoàn thành được
không hay nên giảm tải bớt một số chặng để đảm bảo các xế, ôm không bị quá mệt, ngủ gật, dễ gây mất
an toàn, tai nạn.
Bình luận của bạn