Đột
quỵ là gì?
Đột quỵ (còn gọi tai biến mạch máu
não) là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do sự cung cấp máu lên
não bị ngừng trệ. Vùng não thiếu máu nuôi sẽ bị tổn thương và ngưng hoạt động.
Vùng nào của não bị chết thì phần cơ thể tương ứng do vùng não đó điều khiển sẽ
không hoạt động được, và kết quả là bệnh nhân đột quỵ với các triệu chứng như
méo miệng, yếu hoặc liệt tay chân một bên, tê và mất cảm giác nửa người, nói
khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê...
Căn bệnh nguy hiểm
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Y Dược
TPHCM, tỷ lệ tử vong do đột quỵ là 18%. Tuy nhiên, theo thống kê số bệnh nhân
đột quỵ từ các địa phương khác chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Y Dược
TPHCM, thì tỷ lệ tử vong lên đến 70%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đột quỵ có 70
trường hợp tử vong. Số còn lại thường bị di chứng với các dị tật ảnh hưởng rất
lớn đến chất lượng cuộc sống, gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Dựa vào nguyên nhân tắc mạch não hay xuất huyết não, đột quỵ được chia làm 2
loại:
1. Nhồi máu não (thiếu máu não): Loại đột quỵ này chiếm khoảng 85% - 90% trong
tổng số các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân do tắc mạch máu não kéo dài, làm
vùng não bị thiếu máu nuôi, dẫn đến tổn thương não không hồi phục (hoại tử mô
não). Nếu mạch máu não bị tắc nhưng sau đó nhanh chóng tự thông lại được nên
não không bị chết và các triệu chứng sẽ dần phục hồi trong 24 giờ. Trường hợp
này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
2. Xuất huyết não (chảy máu não): Nguyên nhân do mạch máu trong não bị vỡ làm
máu không đến nuôi não được mà chảy ra (xuất huyết) và gây chèn ép vào não làm
não bị tổn thương.
Đối tượng nào dễ bị đột quỵ?
Tuổi càng lớn, nguy cơ bị đột quỵ càng cao; ngoài ra còn do tăng huyết áp;
đái tháo đường (tiểu đường); rối loạn lipid máu; xơ vữa động mạch; bệnh tim,
đặc biệt là bệnh lý rung nhĩ, hút thuốc lá, nghiện rượu; béo phì, ít vận
động...
Những dấu hiệu của đột quỵ
Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (ở một bên của cơ thể); không
nói được hoặc khó nói hay hiểu ngôn ngữ; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở
một mắt; đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng; chóng mặt
không giải thích được do nguyên nhân gì, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động
(đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).
Những điều không được làm
Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió;
không được cho bệnh nhân ăn, uống; không dùng thuốc Aspirin; tự ý dùng thuốc hạ
huyết áp.
Sơ cấp cứu người bị đột quỵ
Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thông thoáng, nghiêng đầu sang một bên nếu bệnh
nhân nôn ói để tránh dịch nôn ói đi vào đường thở; gọi xe cấp cứu hoặc nhanh
chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Đột quỵ có tái phát
Đột quỵ là bệnh lý có khả năng gây tái phát. Bệnh nhân đã từng bị đột quỵ
một lần sẽ có nguy bị lại lần nữa. Do vậy, việc điều trị phòng ngừa rất quan
trọng trong suốt quảng đời còn lại của bệnh nhân.
Phòng ngừa đột quỵ ra sao?
- Thay đổi lối sống: Tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động, tăng cường tập
thể dục, vận động vừa sức, đều đặn, phù hợp với tình hình sức khỏe và bệnh tật
đang có.
- Bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, điều trị các bệnh lý đi kèm: tăng
huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch khác như
rung nhĩ, bệnh van tim…
- Không ăn nhiều mỡ, nhiều chất ngọt, chất đường, bột; ăn nhiều rau, củ, trái
cây; sử dụng các thảo dược chiết xuất cung cấp dồi dào các chất chống oxy hóa,
chống gốc tự do, bảo vệ và tăng cường hoạt động não.
* Một trong những tiêu chí cần
thiết để cứu vãn tình thế trên là nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời cứu
chữa, tốt nhất là trong vòng 3 giờ sau khi xảy ra đột quỵ- đây là “thời gian
vàng”. * Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 45 giây, thế giới có 1 người bị đột quỵ, và 3 phút có 1 ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ đang ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới… |
Bình luận của bạn