Bà Lan và chồng ngày ngày bận bịu với kho thuốc quý
Cái "tâm" của một người làm nghề thuốc
Vượt hơn 100km từ Hà Nội, nhóm phóng viên chúng tôi đến với Lạng Sơn trong núi rừng trùng điệp, màn sương cuối thu còn chưa kịp tan hết khẽ thấm lạnh qua cánh áo. Nhà bà lang Nguyễn Thị Lan (ở thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nằm nép dưới chân núi, cánh cổng xanh khép hờ để lọt mùi thuốc nam phơi khô thoang thoảng ngoài đầu ngõ.
Trong nhà, hai ông bà đang lom khom hong phơi thuốc lá. Dù đều đã ngoài tám mươi tuổi, nhưng ngày nào ông bà cũng “loay hoay” với hàng chục bao tải thuốc quý. Ông bà hết đi lấy thuốc, kiểm tra, phân loại, lại đến phơi thuốc, cất giữ thuốc. Khi trời mưa bất chợt, hai người lại vội vã bốc thuốc lên hiên nhà, che đậy cẩn thận. Đến những ngày mưa kéo dài, ông bà phải cặm cụi mang thuốc đi xao thật khô để tránh ẩm mốc. "Tài sản quý giá nhất của hai tấm thân già ấy không có gì ngoài mấy chục bao tải thuốc và một danh sách dài ghi chép thông tin của người đến chữa bệnh", bà lang Nguyễn Thị Lan cho biết.
Nghe người bệnh kể tài “thầy thuốc”
Được người thím của mình dạy cho bài thuốc gia truyền và bắt đầu từ việc bốc thuốc cho những người thân trong gia đình, dần dần, bà Lan trở thành “thầy thuốc” của dân làng.
Nhắc đến bà lang Nguyễn Thị Lan, người dân quanh vùng đều trầm trồ: “Cả làng, cả xã này ai chẳng uống thuốc của bà Lan”. Ngay trong xã Bắc Sơn, vẫn còn rất nhiều “nhân chứng sống” về tài năng của bà lang già.
Anh Vóc ở ngay cạnh nhà bà Lan, là người được bà Lan “cứu sống” một bàn chân kể lại câu chuyện của mình. Vào năm 1996, cả làng Hồng Phong 2 vẫn còn nghề trồng mía nấu đường. Khi anh Vóc bước từ bên này sang bên kia chảo đường thì bị trượt chân, cả một bàn chân ngập trong chảo đường đang đun, nóng hơn 100 độ C. Bấy giờ, thịt ở chân anh bị bong tróc, nhìn thấy cả xương bên trong.
Lúc đầu, bà Lan không dám nhận chữa trị cho anh vì vết thương quá nặng. Nhưng vì gia đình anh Vóc khẩn khoản nhờ cậy nên bà đã gật đầu đồng ý. Chỉ sau hai tháng được bà Lan theo dõi chữa trị, vết thương của anh Vóc đã lành lại, thịt thối theo lá thuốc bong ra và thịt mới phát triển lên, che đi phần xương bị hở.
Anh Vóc kể chuyện bà lang Nguyễn Thị Lan với phóng viên H+
Chỉ vào bàn chân khỏe mạnh vẫn còn loang những vết sẹo, anh Vóc nói: “Bà Lan giỏi lắm, không có khi tôi đã mất bàn chân này”.
Đặc biệt hơn, cả gia đình anh Phan Văn Tiến (ở Bắc Sơn, Lạng Sơn) đều lấy thuốc của bà Lan và khỏi bệnh. Anh Tiến kể, anh bị vôi hóa cột sống, đau nhức khắp người đến mức không thể đi lại được. Từ khi lấy thuốc của bà Lan về uống, anh Tiến thấy người nhẹ nhõm hẳn lên. Sau gói thuốc thứ mười, bệnh tình của anh đã khỏi hẳn. Đến nay, anh có thể đi vác gỗ mà không hề có cảm giác đau đớn.
Vợ anh Tiến cũng trước đây cũng khổ sở vì bệnh thận suốt một thời gian dài nhưng chị đã uống thuốc của bà Lan và khỏi hẳn bệnh. Với nụ cười vui tươi, chị chia sẻ “Cả nhà hễ cứ ai bị làm sao là lại chạy lên bà Lan, nhờ bà cắt cho vài thang thuốc về uống là khỏe ngay, đau ở đâu thì lấy thuốc ở đó”. Khi PV hỏi là chị đã lấy bao nhiêu loại thuốc của bà Lan, chị chỉ cười, nói là không thể nhớ được nữa vì từ bệnh nhỏ đến bệnh lớn, tất cả đều đến lấy thuốc của bà.
Con gái anh Tiến là em Phan Thị Ly kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện không thể quên trong đời. Đó là khi học lớp 5, một lần mẹ em đang mài dao, em đứng sau đúng đà vung dao của mẹ nên dao đã chém vào tay em. Cổ tay em gần như rời ra, đứt mạch máu và đứt hai gân tay. Khi gia đình đưa em đến trạm xá, người ở đấy không dám cấp cứu vì vết thương quá sâu. Thế nhưng, chỉ với những cây thuốc quý, bà Lan đã chữa khỏi cho em Ly. Đến nay, tay Ly có thể làm việc, hoạt động bình thường, mặc dù vẫn còn mờ mờ vết sẹo.
Chị Tạ Thị Lệ được bà Lan chữa khỏi bệnh đau mắt
Theo những người dân quanh vùng, có lẽ, hiệu quả rõ rệt nhất là tài chữa bệnh đau mắt của bà Lan. Chị Tạ Thị Lệ (dân tộc Hoa, Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn) kể rằng, có đứa cháu trai nhà bên cạnh bị đau mắt đỏ đến nỗi chảy máu mắt, đi bệnh viện tiêm gần một tuần không khỏi nhưng về dùng thuốc của bà Lan được hai ba ngày sau là khỏi.
Chị Lệ còn cho biết, con gái nhà chị bị u nang buồng trứng, cả nhà ai cũng rất lo lắng nhưng không ngờ bà Lan lại có thể chữa khỏi chỉ bằng những thang thuốc lá quen thuộc. Đến nay, con gái chị đã lấy chồng, sinh con và có cuộc sống hạnh phúc.
Không chỉ dân quanh vùng mà trong huyện ngoài tỉnh đều có người đến lấy thuốc. Lật từng trang danh sách bệnh nhân được ông bà ghi lại cẩn thận, chúng tôi thấy cả những người ở Đồng Tháp, Sài Gòn, Hà Nội, Hưng Yên…
Phần lớn người những người ở xa nghe tiếng nên nhờ người quen lấy thuốc. Nhiều thang thuốc của bà Lan gửi qua đường bưu điện nên bà cũng không biết mặt, biết tên của người bệnh là gì. Bà tâm sự: “Người đến lấy thuốc nhiều, tôi lại tuổi già nên không thể nhớ hết hết tên tuổi, lai lịch. Chỉ biết rõ người ta bị bệnh gì và mình chữa ra sao. Nhiều người khỏi bệnh gọi điện thoại về cảm ơn thì cũng hay là vậy thôi”.
Trao đổi với phóng viên Health+, bác Dương Lịch (ở Hưng Yên), hiện đang uống thuốc của bà Lan vì có sỏi trong cuống mật, cho biết: “Trước tôi uống thuốc tây nhưng sỏi không tan được. Tôi đã uống thuốc của bà Lan được hơn 1 tháng, mới đi siêu âm thì thấy sỏi giảm từ 17 phân xuống còn 14 phân, giờ thấy cơ thể nhẹ nhõm hơn, không còn đau nhiều như trước”
“Người bốc thuốc trước có tâm, sau cần tài”
Đó là lời tâm sự gan ruột của bà lang xứ Lạng. Bà bảo: “Bốc thuốc mấy chục năm nay rồi, ai có bệnh thì bà lấy thuốc, có gì đâu mà cần đưa lên báo đài”.
Đối với bà Lan, người làm nghề thuốc trước hết phải cái tâm, cái đức. Nói rõ ra là khi dùng vị thuốc nào phải nắm chắc về nó, bốc thuốc làm sao cho người bệnh dù có khỏi bệnh hay không cũng không được ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Sự cẩn trọng ấy của bà thể hiện ngay từ việc lấy lá thuốc. Vì tuổi cao nên bà Lan gặp nhiều khó khăn trong việc lên núi lấy thuốc. Chính vì vậy, bà phải đưa mẫu cây thuốc cho những người dân trong vùng đi lấy. Tuy nhiên, khi họ lấy thuốc về, bà phải kiểm tra rất kỹ. Nhiều lần, người ta lấy nhầm cây thuốc đưa cho bà, bà kiên quyết không nhận, bà cũng nhất định không để những loại cây đó quanh nhà mình vì sợ nhầm lẫn với các cây thuốc khác.
Những vị thuốc được bà Lan hong phơi cẩn thận
Hiện tại, chồng bà Lan là ông Chu Văn Siểng (85 tuổi) cũng đang uống thuốc của bà. Ông đi khám, được chuẩn đoán là bị vôi hóa cột sống, viêm khớp, thần kinh tọa và viêm gan. Chính vì thế, hơn một năm trở lại đây, mỗi ngày ông uống một ấm thuốc của bà sắc, sau khi uống ít thấy hiện tượng huyết áp cao, sức khỏe ổn định hơn, ăn ngủ đều đặn. Ông Siểng cười hiền hậu: “Mình cũng phải xem mình thế nào thì mới cho người ta uống được”.
Không chỉ chữa bệnh theo bài thuốc gia truyền, bà Lan cũng tự mình nghiên cứu, thay đổi các vị thuốc cho phù hợp. Bà bảo: “Trong lúc chữa bệnh tôi cũng phải nghiên cứu tài liệu để có thêm kiến thức, áp dụng cho đúng. Tôi hay đọc sách của ông Đỗ Tất Lợi, đó là cuốn sách quý giúp tôi hiểu ra nhiều điều”.
Tuy nhiên, như bà Lan tâm sự, cũng có sự khác biệt giữa tài liệu với thực tế. Ví dụ như cây phù dung, trong tài liệu chỉ nói nó có công dụng trị huyết áp nhưng trong quá trình chữa bệnh, bà nhận thấy nó có công dụng trị bệnh dạ dày rất tốt.
Với tài đức của mình, bà Lan dường như đã trở thành "điểm tựa" sức khỏe cho những người dân trong thôn, xã. Có bà, ai nấy đều yên tâm hơn. Giờ đây, điều mà họ lo lắng nhất chính là bà Lan đã tuổi cao sức yếu, khi không còn bà, ai sẽ bốc thuốc chữa bệnh để giữ bình yên cho nơi này. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, nhiều người không giấu nổi nỗi băn khoăn này, “Chúng tôi chỉ lo khi bà Lan không còn đủ sức bốc thuốc chữa bệnh, sức khỏe của dân làng sẽ không biết trông cậy vào ai?”.
Ở xã Chiến Thắng hiện có 9 người thuộc Hội Đông y nhưng riêng bà Lan đã chữa trị cho 2/3 số người bệnh trong xã. Chính vì vậy, không chỉ được người dân kính trọng, nể phục, bà Lan còn là tấm gương của nhiều thầy lang trong vùng.
Bình luận của bạn