Giải pháp nào cho người nhiễm HIV sau khi “đứt” viện trợ?

Viện trợ liên tục bị cắt giảm

Những năm gần đây, nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm liên tục từ 245 tỷ năm 2012 xuống còn 207 tỷ năm 2013 và giảm tiếp xuống còn 83 tỷ năm 2014.

Nguyên nhân của sự cắt giảm này là do, nguồn kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam phần lớn do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Từ năm 2012, nguồn viện trợ này liên tục giảm.

Bà Vivian Chao, Điều phối viên Tổ chức PEPFAR - tổ chức viện nguồn kinh phí phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam cho biết, mức thu nhập trung bình của Việt Nam đã đạt mức thoát nghèo nên PEPFAR sẽ rút dần viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Với việc các nhà tài trợ nước ngoài đang rút dần nguồn viện trợ và dự đoán sẽ dứt hẳn vào năm 2015, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến ngày 30-4-2014, số ca đang nhiễm HIV được báo cáo là 219.163 người, trong đó số bệnh nhân đang ở giai đoạn AIDS là 67.557 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 69.449 người.

Nguồn viện trợ bị cắt đã trở thành nỗi lo lắng lớn cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Khi các dự án viện trợ cho Việt Nam rút hết, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị. Hiện tại, chi phí cho phác đồ điều trị bậc 1 là khoảng 2 triệu đồng/tháng, phác đồ bậc 2 là 3,5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân nhiễm HIV là người có thu nhập thấp hoặc rất thấp do không có việc làm ổn định hoặc có tiền sử nghiện ma túy, mại dâm… Do đó, chi phí điều trị trở thành gánh nặng lớn với những bệnh nhân HIV, bởi điều trị HIV là cả đời.

Đâu là giải pháp?

Sau khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người lo lắng, trong một vài năm tới, có nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV do nguồn kinh phí thiếu hụt. Không chỉ vậy, số lượng bệnh nhân chuyển sang AIDS cũng có thể gia tăng do bệnh nhân nhiễm HIV không đủ khả năng điều trị kéo dài.

Do đó, ngay từ lúc này, cần phải có những giải pháp lâu dài cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta.

Một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay, là thuyết phục người nhiễm HIV tham gia vào bảo hiểm y tế. Bởi, Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định: Người đang tham gia BHYT bị nhiễm HIV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế quy định (gồm cả thuốc ARV).


Các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc BHYT

Với việc tham gia vào BHYT, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giảm được tới 80% chi phí khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đúng tuyến.

Một số nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chỉ từ 15% đến 55% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân người có thẻ bảo hiểm y tế trong cộng đồng.

Do vậy, cần thiết phải có những giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của các bệnh nhân HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020; xây dựng Đề án đảm bảo tài chính cho ARV (thuốc kháng virus HIV) và methadone trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ, ngành, đoàn thể bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích tạo việc làm cho các bệnh nhân nhiễm HIV, để họ có thể đảm bảo cuộc sống và duy trì điều trị lâu dài, góp phần phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn