H7N9 sẽ bùng phát trở lại vào mùa thu?

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây cho biết, virut cúm gia cầm H7N9 giết chết 1/3 số bệnh nhân nhiễm bệnh và cảnh báo dịch có thể bùng phát trở lại vào mùa thu. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet, các chuyên gia từ Bắc Kinh và Hong Kong cho biết, virut H7N9 khiến 36% số bệnh nhân nhiễm bệnh ở Trung Quốc tử vong. Tỉ lệ này thấp hơn virut H5N1 (giết chết 60% bệnh nhân) nhưng cao hơn virut H1N1 (21%). Chính quyền Trung Quốc cho biết, tổng cộng 131 người dân nước này đã nhiễm virut H7N9 khi dịch bùng phát kể từ tháng 2/2013. Đến nay 39 người đã thiệt mạng. Các vụ lây nhiễm khác cũng xảy ra ở Đài Loan.

Các chuyên gia cho rằng, virut H7N9 ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán trước đó nhưng có khả năng lây lan trên phạm vi rộng hơn ước tính. Các trường hợp lây nhiễm nhưng chỉ phát bệnh nhẹ hoặc không phát bệnh có thể lên đến 1.500 - 27.000 ca. Và những người nhiễm virut đều có thể trở thành đối tượng truyền bệnh. Trong một nghiên cứu khác cũng đăng trên tạp chí The Lancet, các nhà khoa học dự báo virut H7N9 sẽ hoành hành trở lại trong vài tháng nữa. "Mùa nóng đã bắt đầu ở Trung Quốc. Nếu virut H7N9 hoạt động giống như H5N1, nó sẽ xuất hiện trở lại vào mùa thu" - nghiên cứu dự báo. Virut H5N1 là một dòng virut cúm gia cầm gây chết người khác xuất hiện năm 2003 và đã lây lan khắp thế giới. Các số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về H5N1 cho thấy, virut này đã gây tử vong cho 375 trong số 630 người được xác nhận là nhiễm bệnh trong 10 năm qua. Nhiều trường hợp H5N1 xảy ra tại Ai Cập, Indonesia và Việt Nam.

Cúm A có kháng nguyên bề mặt Hemagglutinin (ký hiệu H) và enzym đặc hiệu Neuraminidase (ký hiệu N), có tới 16 H (từ 1 - 16) và 9 N (từ 1 - 9). Khi chỉ một chủng cúm A cụ thể thường cho con số vào sau chữ N, H.H7N9 là loại virut có bộ gen pha tạp giữa H7N3 trên vịt, H9N2 trên chim sẻ và H7N9 trên chim hoang dã, bởi vậy trong tương lai do sự pha tạp này mà không loại trừ khả năng sẽ xuất hiên thêm các chủng cúm mang các số hiệu H và N khác nữa.

Các nhà khoa học kêu gọi cộng đồng quốc tế cảnh giác và chuẩn bị đối phó với đại dịch bởi virut H7N9 hoàn toàn có khả năng lây lan ra bên ngoài phạm vi Trung Quốc, cần tránh sự chủ quan, lơ là. Các nhà khảo cứu thuộc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh ở Bắc Kinh và Trường đại học Hong Kong cho biết, tình trạng virut H7N9 có tiềm năng lắng dịu có thể đem lại một cơ hội cho các giới chức y tế thảo luận thỏa đáng và hoạch định trước khả năng dịch quay trở lại và lây lan rộng hơn.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc tháng trước cho biết, vụ bột phát cúm H7N9 ở Trung Quốc đã gây thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD cho nền kinh tế. Các chuyên gia kêu gọi các giới chức y tế và các bác sĩ chớ nên bị đánh lừa bởi trạng thái an toàn giả tạo trước sự giảm sút các ca nhiễm virut H7N9 trong mấy tuần lễ vừa qua. Họ nói cần phải tiếp tục đề cao cảnh giác và duy trì các nỗ lực kiểm soát virut để giảm thiểu mức độ rủi ro nhiễm bệnh cho người, một mức độ cao hơn so với sự thừa nhận trước đây.

Hiện nay, H7N9 gây bệnh cho người là chuyện hoàn toàn mới nhưng thực ra chủng H7N9 đã được các nhà khoa học biết trước đó vì nó đã từng tìm thấy ở chim. Hầu hết các trường hợp được báo cáo nhiễm ở người đều dẫn đến bệnh hô hấp nặng. Keiji Fukuda, Trợ lý Tổng Giám đốc của WHO về sức khỏe, an sinh và môi trường đã xác định H7N9 là "... một loại virut bất thường nguy hiểm đối với con người".

Theo Hương Hà (Cổng TTĐT Bộ Y tế)

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin