Hiểm họa đến từ bếp ăn tập thể

Theo Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tăng lên 10 trường hợp so với cùng kì năm ngoái.

Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm của 71 công nhân Công ty MTV Việt Tân Hoa (B15, Đường Liên Ấp 123, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 11/7/2014 tại bếp ăn của Công ty MTV tổ chức phục vụ ăn cho 177 công nhân, suất ăn do Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ Thúy Nga (B7/8, đường Khuất Văn Bức, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cung cấp. Sau bữa ăn có tổng số 71 công nhân phải đến nhập viện điều trị với các biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt, nhức đầu.

Đến sáng ngày 12/7/2014, toàn bộ công nhân đã được xuất viện và ở trong tình trạng sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc bếp ăn tập thể này.


Các triệu chứng là buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy nhẹ,...

Cách đó không lâu, tối 1/7, Bệnh viện đa khoa quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận gần 200 công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn dệt SHIN DONG có địa chỉ tại khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12, bị ngộ độc thực phẩm với biểu hiện đau bụng, nôn ói, chóng mặt.

Theo lời kể của một nữ công nhân, buổi chiều nhà ăn công ty cho công nhân ăn các món trứng chiên thịt, rau cải xào và canh rau dền. Chị và nhiều công nhân khác phát hiện món rau cải xào có mùi chua định không ăn, tuy nhiên nhiều công nhân đem phần ăn đến nhà bếp hỏi thì được nói là bình thường. Sau khi ăn xong một lúc thì người chao đảo, bụng đau rồi nôn ói. Sau đó có nhiều người còn bị ngất xỉu.


Gần 200 công nhân bị ngộ độc thực phẩm

Bên cạnh đó, việc xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc bếp ăn tập thể đáng tiếc khác trong năm nay, ví dụ như 181 người bị mắc và nhập viện tại tỉnh Bắc Giang do ăn bánh dày tại cơ sở sản xuất của gia đình ông bà Hòa – Tuyến (thôn Lam Sơn, xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng) hay 12 người phải đưa đến khám và điều trị tại bệnh viện do ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn tại tại Nhà hàng Phong Vỹ (Khu Y Na, Phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh),... khiến cho dư luận đang hết sức hoang mang.


người dân cần đề cao cảnh giác khi đi ăn tại những bếp ăn tập thể

Để chấm dứt tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp như trên thì các cơ quan chức năng đang vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiểm tra xác minh điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các bếp ăn tập thể, công khai kết quả để cảnh báo cho người dân. Đồng thời tổ chức tuyên truyền về kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng. Các cơ sở khám và điều trị tăng cường cán bộ y tế thường trực, bố trí đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để thu dung, điều trị người bệnh, chủ động đề nghị tuyến trên hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao cảnh giác khi đi ăn ở những bếp ăn tập thể để chủ động giữ gìn sức khỏe của mình.

Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các nội dung sau:

Tổ chức cấp cứu, thu dung và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc. Điều tra xác định rõ cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định. Công khai kết luận điều tra ngộ độc thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.

Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các quy định của Thông tư số 30/2012/TT - BYT ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.



CTV7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn