Hiến giác mạc - Phương châm sống xứ Cồn Thoi

Ông Nguyễn Đình Tú bên những tấm bằng khen của những người hiến giác mạc

Sẽ có giác mạc nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Mắt có hồi phục hoàn toàn sau khi rách giác mạc?

Dùng lá lốt trị đau mắt đỏ có thể làm bỏng giác mạc

Làm đẹp không đúng cách có thể gây loét giác mạc

Giáo xứ Cồn Thoi thuộc xã Cồn Thoi nằm ở phía Đông Nam của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đây là địa phương được nhiều người biết vì có số người hiến tặng giác mạc nhiều trong cả nước. Trong tổng số hơn 200 người đã hiến giác mạc trên toàn quốc thì huyện Kim Sơn chiếm hơn 2/3 trong số đó, riêng xứ đạo Cồn Thoi đã có 80 người tình nguyện hiến giác mạc.

Ông Nguyễn Đình Tú - Chủ tịch Hội CTĐ xã Cồn Thoi chia sẻ danh sách những người đã hiến và đăng ký hiến tặng giác mạc của địa Phương (Ảnh: Thái Sơn)

Ở giáo xứ Cồn Thoi, chuyện người dân tình nguyện hiến tặng giác mạc khi qua đời giờ không còn mới lạ. Bởi chục năm nay, người dân nơi đây đã quá quen thuộc với việc nhiều người hiến tặng giác mạc của mình cho y học sau khi chết. 

Việc hiến giác mạc giờ còn là phương châm sống của nhiều người dân địa phương, ai cũng muốn được hiến tặng một phần thân thể của mình trước khi “trở về với cát bụi”; nhiều người luôn sẵn lòng để hiến tặng giác mạc với hi vọng sẽ đem lại ánh sáng cho những người mù... giúp duy trì nghĩa cử cao đẹp ở địa phương này nhiều năm qua.

Lật từng trang sổ ghi danh sách những người đã hiến tặng và đăng ký hiến giác mạc ở địa phương, ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết: “Cả xã Cồn Thoi đã có 81 người đã hiến tặng giác mạc, trong đó có 80 người là giáo dân của xứ đạo Cồn Thoi. Số người đăng ký hiến giác mạc không ngừng tăng lên mỗi năm, cả xã hiện nay có 257 người đã đăng ký hiến giác mạc. Trong đó, bà con giáo dân cũng chiếm phần đông trong số này”.

Ông Tú đang tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc khi qua đời để cứu giúp những người mù (Ảnh: Thái Sơn)

Cũng theo ông Tú, Cồn Thoi không chỉ là địa phương có số người hiến tặng giác mạc nhiều trong cả nước mà ở đây còn có nhiều cái nhất như người hiến tặng giác mạc đầu tiên ở nước ta (bà Nguyễn Thị Hoa xóm 8A, hiến giác mạc năm 2007); Con của Chủ tịch Hội chữ thập đỏ đầu tiên trong nước hiến tặng giác mạc (chị Nguyễn Thị Lan con ông Nguyễn Đình Tú (hiến năm 2008); Người cựu chiến binh đầu tiên hiến tặng giác mạc (ông Nguyễn Phương Thảo (xóm 8B, hiến năm 2009); Người Đảng viên và là thương binh đầu tiên hiến giác mạc (ông Nguyễn Xuân Hiền ở xóm 8B, thương binh hạng 2/4, hiến năm 2013)…

Ngoài ra, ở Cồn Thoi còn có nhiều gia đình có cả hai vợ chồng, bố con, anh em, đều tình nguyện hiến tặng giác mạc cho y học khi qua đời. Điển hình như bố con ông Phạm Văn Đắc và Phạm Thị Mạo ở xóm 4. Vợ chồng ông Đoàn Văn Thường bà Phạm Thị Thân, vợ chồng ông Vũ Văn Huyến và bà Nguyễn Thị Nhuần (xóm 7B), vợ chồng ông Phạm Gia Thuần và bà Bùi Thị Lan. Hai anh em ruột cùng hiến giác mạc là anh Mai Văn San và Mai Văn Diện… 

Chị Trương Thị Liên bên tấm bằng khen và kỷ niệm chương của chồng sau khi chết đi đã hiến giác mạc cho y học (Ảnh: Thái Sơn)

“Người hiến giác mạc gần đây nhất của địa phương là bà Vũ Thị Dự ở xóm 8B, hiến tặng ngày 27/6. Nhiều người dân địa phương cảm kích tấm lòng của bà vì bà Dự là mẹ của một linh mục. Bà Dự đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho nhiều giáo dân khác noi theo để thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, cứu giúp nhiều người bị mù”, ông Tú chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Trương Thị Liên ở thôn 4, xã Cồn Thoi. Ông Tú cho hay, chồng của chị Liên là anh Vũ Văn Bình (SN 1984) bị đột tử qua đời năm 2013. Khi anh Bình mất, chị Liên bị suy sụp hoàn toàn, một mình ôm hai đứa con nhỏ khóc lóc đau thương. Trước đó anh Bình chưa đăng ký hiến giác mạc, người mẹ đẻ của anh Bình đã khuyên nhủ con dâu, chia sẻ về nghĩa của của việc hiến giác mạc. Thấy việc làm ý nghĩa, dù chồng chết đi những vẫn cứu giúp được những người mù, chị Liên đã đồng ý cho đi đôi giác mạc của chồng mình để đem lại ánh sáng cho những người khác.

Gặp chúng tôi, cố nén lại nỗi đau chị Liên tâm sự: “Chồng qua đời quá đột ngột khiến em đau đớn khóc lịm đi nhiều lần. Nghe mẹ nói sẽ hiến đôi giác mạc của chồng cho người mù, trước đó em cũng nghe nói về nghĩa cử này nên đã đồng ý. Hiến đôi giác mạc của chồng đã mất cũng không ảnh hưởng gì đến thể trạng, thân xác chết rồi phải chôn cất cũng thành bụi đất. Hiến giác mạc cứu giúp được người mù là việc nên làm và rất ý nghĩa. Anh ấy chết đi rồi vẫn còn giữ lại được ánh sáng cho người khác khiến mẹ con em cũng được an ủi phần nào”.

Bà Trần Thị Dậu đăng ký vào danh sách tình nguyện hiến tặng giác mạc cho người mù hơn 10 năm nay (Ảnh: Thái Sơn)

Bà Trần Thị Dậu (SN 1957) thôn 4, xã Cồn Thoi đã đăng ký vào danh sách hiến giác mạc của địa phương hơn 10 năm nay tâm sự: “Khi chết đi con người ta sẽ chẳng mang theo được thứ gì trên đời. Thân xác phải chôn xuống đất rồi cũng sẽ hư nát, trở thành cát bụi. Hiến đi đôi giác mạc của mình sẽ cứu giúp được hai người mù. Việc làm rất ý nghĩa vì dù chết đi nhưng vẫn cứu được người khác. Giác mác của mình hiến sẽ đem lại ánh sáng cho hai người mù. Khi những người này chết đi, họ có thể hiến lại giác mạc này cho người khác. Như vậy, đôi giác mạc của mình sẽ giúp thêm được nhiều người mù được khác”.

Ông Tú chia sẻ thêm: “Tôi cùng mọi người ở địa phương luôn nỗ lực để vận động có thêm nhiều người nữa hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời. Mọi người trong phong trào vận động hiến giác mạc luôn tâm niệm: Một ngọn nến trước khi tắt thì sẽ thắp sáng lên được hai ngọn nến khác. Vì thế, chúng tôi luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người, ai cũng hăng hái đăng ký tham gia để cứu giúp được nhiều người mù”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội