Hoạt động rề rà, bệnh viện lo thiếu thuốc!


Bệnh viện muốn mua thiết bị đều phải qua Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công

Đề cao vai trò tổ chuyên gia

Được bố trí một “buồng” ngăn ra từ Phòng Tài chính - kế toán với diện tích chừng 10m², văn phòng của trung tâm nằm lọt thỏm một góc chật chội và ngột ngạt. Điều quan trọng, gần 9 tháng qua, trung tâm vẫn chưa thể hoạt động một cách bài bản bởi theo quy hoạch nhân sự lên tới 30 người nhưng hiện mới chỉ có 2 cán bộ làm việc… không lương từ nhiều tháng qua. Thậm chí, ngay cả giám đốc trung tâm cũng đang đề nghị UBND TPHCM phê duyệt và chức danh này theo đệ trình không ai khác ngoài chính Giám đốc Sở Y tế đương nhiệm Nguyễn Tấn Bỉnh.

Vấn đề ở chỗ trong lúc các bệnh viện đang lo thiếu thuốc nhưng kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung mà trung tâm chịu trách nhiệm chính vẫn còn tù mù. Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trong vòng 2-3 tháng tới phải đấu thầu xong thuốc cho các bệnh viện. Điều này liệu có khả thi khi lãnh đạo một bệnh viện cho biết chỉ riêng đấu thầu thuốc cho một bệnh viện mà hội đồng đấu thầu đã mất tới 3 tháng. Trong khi trung tâm mới thành lập với nhân sự 2 người phải thực hiện kế hoạch đấu thầu cho cả mấy chục bệnh viện! Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, công việc đấu thầu tập trung không phải chỉ do trung tâm mà phải có sự giúp sức từ các bệnh viện. “Thay vì các bệnh viện tự đấu thầu thì nay tập trung về sở và sở cũng mời cán bộ chuyên trách của bệnh viện lên cùng làm việc”, một cán bộ trung tâm cho biết.

Để làm được việc này, ngày 19/8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã ký công văn về việc cử nhân sự tham gia hội đồng và các tổ chuyên gia tư vấn chuyên môn công tác mua sắm hàng hóa. Theo đó, ngoài việc thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn, Sở Y tế cũng thành lập các tổ chuyên gia. Chẳng hạn tổ chuyên gia tư vấn dược gồm trưởng phòng quản lý dược và các chuyên viên trực thuộc, trưởng khoa dược các bệnh viện. Tổ chuyên gia này có nhiệm vụ xây dựng danh mục thuốc thống nhất sử dụng và mua sắm từng năm của ngành; tổ chức thẩm định “kế hoạch đấu thầu thuốc” và “phương án tổ chức mua sắm” của trung tâm và lập thủ tục để Sở Y tế trình UBND TP phê duyệt. Tương tự, các tổ chuyên gia tư vấn trang thiết bị và vật tư y tế; tổ chuyên gia tư vấn pháp lý và hợp đồng kinh tế. Theo lãnh đạo một số bệnh viện, thực tế trung tâm chỉ là “đạo diễn”, còn công việc chính đã có các tổ chuyên gia.


Bệnh viện muốn mua thiết bị đều phải qua Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công.

Liệu có quá tải?

Theo quy trình do trung tâm đưa ra, trước khi bệnh viện muốn mua thiết bị, vật tư y tế phải trình kế hoạch lên trung tâm. Sau đó trung tâm sẽ mời lên bàn bạc và đi đến thống nhất các tính năng kỹ thuật, tiêu chuẩn, giá cả. Trung tâm buộc phía bệnh viện phải ký cam kết mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng thỏa thuận đã thống nhất. Cuối cùng mới tổ chức đấu thầu và bệnh viện ký hợp đồng mua. Trong năm 2013, trung tâm chuẩn bị đầu tư 121 trang thiết bị y tế và từ nay đến 2015 đầu tư thêm 236 trang thiết bị y tế.

đối với đấu thầu thuốc, trung tâm sẽ thống nhất danh mục hoạt chất thuốc với các bệnh viện và sau đó tổ chức đấu thầu, rồi các bệnh viện ký hợp đồng mua hoặc trung tâm sẽ mua bằng nguồn ngân sách được cấp và phân phối xuống các bệnh viện. Trong cuộc họp mới đây với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trung tâm mua sắm công không phải là doanh nghiệp nên không thể là “đại lý phân phối”. Theo ông Tăng, trung tâm có 2 loại: một là đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch; hai là đơn vị doanh nghiệp và ký hợp đồng thẳng với các bệnh viện. Tuy nhiên, ông Tăng cảnh báo nếu làm không khéo thì loại hình nào cũng có thể xảy ra độc quyền, tiêu cực!

Theo quyết định thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công do UBND TPHCM ban hành, trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Nhiệm vụ của trung tâm là tham mưu cho giám đốc Sở Y tế về công tác tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa (gồm thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế) và trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc thành phố và quận huyện; quản lý, cung ứng và điều phối hàng hóa, trang thiết bị y tế chuyên dụng cho các đơn vị sự nghiệp y tế đúng quy định, đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị… Thế nhưng, nói như ông Nguyễn Duy Thuận, chuyên gia đấu thầu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với quy mô TPHCM bằng 30 tỉnh, thành khác gộp lại thì liệu trung tâm có đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, trang thiết bị cho các cơ sở y tế!

Việc mua thuốc tập trung thực hiện theo hai cách sau: 1. Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc; 2. Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận hợp đồng khung với nhà thầu trúng thầu làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin