Hành hung, đe dọa bác sỹ: không phải mới lần một, lần hai
Vụ việc bao vây, thị uy bác sỹ gần đây nhất hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng là vụ việc xảy ra tại Huế. Chiều 30/7, hàng trăm người dân, cả người nhà của bệnh nhi kéo đến bệnh viện Trung ương Huế, bao vây Khoa Nhi, yêu cầu các bác sỹ giải thích nguyên nhân cái chết bất thường của bé N.N.H.C. (8 tháng tuổi).
Cách sự việc trên không lâu, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng xảy ra một vụ bạo hành bác sỹ vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 5h ngày 25/7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy, chị Mỹ bị rối loạn tiêu hóa.
Bệnh nhân được cho uống thuốc giảm đau, an thần và đang nằm theo dõi thì một người đàn ông tự xưng người nhà bệnh nhân, tên là Nguyễn Tiến Dũng (36 tuổi, ở Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) xuất hiện, có những lời lẽ lăng mạ và hành hung các nhân viên y tế, trong đó có một điều dưỡng đang mang thai tháng thứ 7.
Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai bị hành hung
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Ða khoa Hà Tĩnh vào tháng 8/2103, bệnh nhân 75 tuổi đang điều trị tại Khoa Chấn thương bị sốc thuốc sau khi được tiêm kháng sinh, chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng ngừng tuần hoàn, chết lâm sàng. Trong khi đang cố gắng cấp cứu thì khoảng chục người thân của bệnh nhân lao vào đánh đập kíp trực. Bác sỹ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sỹ khác rách giác mạc, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ cửa kính phòng điều trị của Khoa Hồi sức tích cực.
Tháng 7/2011, cả nước xôn xao trước vụ người nhà bệnh nhân tấn công các bác sỹ và đập phá bệnh viện Năm Căn (Cà Mau). Đó chỉ là điểm qua một vài vụ việc bác sỹ bị hành hung, đe dọa ngay tại nơi làm việc, chỉ là “mỏm nổi của tảng băng chìm” vì trên thực tế, còn rất nhiều vụ khác nữa.
An ninh bệnh viện bị đe dọa
Liên tiếp những vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng an ninh bệnh viện có được an toàn?
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết đây không phải là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại khoa Cấp cứu. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người thầy thuốc, bệnh viện đã thuê công ty bảo vệ trực 24/24 tại khu vực cấp cứu nhưng những tình huống ngoài kiểm soát vẫn xảy ra. Không ít vụ việc tương tự đã xảy ra ở nhiều BV khác trên toàn quốc. Nếu bản thân các cán bộ y tế không yên tâm, chắc chắn hiệu quả khám - chữa bệnh sẽ không cao. Cuối cùng thiệt hại vẫn chính là người bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cung cấp thông tin về vụ việc
Và cũng phải nói đến một điều rất rõ ràng, các lực lượng bảo vệ BV đang rất mỏng và khó có thể bảo đảm an ninh khi có những sự cố xảy ra tại đây. Vì thế, BS Ngô Thế Hùng - người trực chính trong ca trực đêm 25/7 - đã nghẹn lời khi đặt câu hỏi: "Ai sẽ là bảo vệ để chúng tôi có thể yên tâm làm chuyên môn một cách chính đáng?"
Không chỉ có bác sỹ lo lắng về tình trạng an ninh tại bệnh viện mà ngay chính những bệnh nhân cũng luôn có cảm giác không an toàn bởi đã có không ít người bị các thế lực xấu, côn đồ, thậm chí là ngay chính người nhà hành hung. Điển hình như:
Ngày 3/1/2014, tại BV Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn đã xảy ra một việc khiến dư luận hết sức phẫn nộ: Bà Trần Thanh Duy (51 tuổi, đang bị ung thư cổ tử cung) đã bị em trai của mình xông vào tận phòng bệnh dùng dao cắt chân.
Bài học y đức
Từ những vụ việc trên có thể thấy, chuyện ẩu đả giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế không phải lỗi của riêng ai. “Tại anh - tại ả - tại cả hai bên”, người dân phải biết bình tĩnh để giải quyết sự việc, ai sai sẽ có pháp luật xử lý. Còn những người được gọi là “từ mẫu” cũng nên coi bệnh nhân là người thân của mình…
Sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong trường hợp như trên là cần thiết, tuy nhiên, những người làm công tác y tế cũng nên nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ phục vụ của mình. Trong những năm gần đây, vấn nạn “phong bì bệnh viện”, “quá tải bệnh viện” làm suy thoái niềm tin của người dân với những người làm ngành y tế.
Muốn được người dân tôn trọng gọi là “lương y” thì cũng phải có được thái độ phục vụ “từ mẫu”, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của mình.
Bình luận của bạn