Trẻ bị sặc thức ăn phải làm sao?

Nên cho trẻ ăn từ từ từng thìa nhỏ, không la mắng, bắt ép trẻ ăn nhanh

Hóc dị vật ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

Liên tiếp các ca trẻ nhập viện vì hóc dị vật

Sơ cứu khi trẻ hóc dị vật

Trẻ ho: Có nên cho uống kháng sinh?

Câu hỏi: Tôi được biết bé có thể bị tổn thương não do sặc thức ăn. Con tôi đang trong giai đoạn ăn bột nên tôi rất hoang mang. Vậy cho bé ăn thức ăn thế nào để tránh sặc? Khi bé bị sặc thức ăn thì tôi cần làm gì? Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi. Cảm ơn bác sỹ! (Thanh Hiền, Điện Biên).

Trả lời:

BSCKI Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết:

Chào bạn! Thắc mắc của bạn cũng là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ bởi sặc thức ăn là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân trẻ bị sặc thức ăn thường do cha mẹ hoặc người giữ trẻ cho trẻ ăn không đúng tư thế, do ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc. Khi trẻ bị sặc nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ dễ bị ngạt có thể dẫn đến tử vong.

Những dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sặc thức ăn: Khi trẻ đang ăn đột ngột ho sặc sụa, khó thở, người tím tái, hai mắt trợn ngược. Khi thấy có dấu hiệu này, bạn cần nghĩ ngay đến việc trẻ bị sặc và cấp cứu kịp thời. Bạn nên bình tĩnh để có cách xử lý thích hợp.

Nếu trẻ ho hoặc khóc: Trẻ ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là trẻ đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, trẻ không bị ngạt trầm trọng. Lúc này bạn không nên can thiệp vì điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Bạn nên theo dõi xem sau khi ho trẻ có dễ thở hơn không. Nếu trẻ thở khó khăn trong vài phút bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Nếu trẻ tím tái kéo dài, không khóc được: Bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu và trong khi chờ cấp cứu tiến hành nhanh thủ thuật “vỗ lưng ấn ngực”. Bạn có thể thực hiện thủ thuật này như sau: Một tay đỡ ngực trẻ, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài.

Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại 10 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục. Nếu trẻ còn khó thở, bạn tiếp tục vỗ lưng và ấn ngực như trên cho tới khi trẻ bớt hoặc hết khó thở. Sau khi trẻ hết khó thở cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục điều trị.

Để tránh bé bị sặc, bạn cần lưu ý những điểm sau:

- Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn hoặc bú khi trẻ đang khóc;

- Không nên cho trẻ vừa ăn vừa ngủ;

- Sau khi trẻ ăn, cần vỗ nhẹ lưng trẻ để trẻ ợ hơi;

- Luôn cho bé ngồi một chỗ khi ăn;

- Không cho bé ăn khi đang chạy, nhảy, cười đùa;

-  Cho trẻ ăn từ từ từng thìa nhỏ, không la mắng, bắt ép trẻ ăn nhanh. Nếu trẻ nuốt vội sẽ dễ bị sặc;

Chúc bé nhà bạn hay ăn chóng lớn!




Gia Hân H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị