Hóc dị vật ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

Liên tiếp các ca trẻ phải nhập viện vì hóc dị vật

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận những trẻ em bị hóc dị vật đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thậm chí có những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 8/7 vừa qua, cháu bé Hà Vũ M.Q, 2 tuổi (Thái Bình) được đưa vào phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi, lấy ra dị vật là mảnh xương gà có kích thước 22x23x5mm.

Ngày 20/6, cháu Q vào viện trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho nhiều. Theo gia đình kể lại, trước đó khoảng 1 tháng, cháu có sốt, ho thành cơn, khò khè, khản tiếng và được đưa vào bệnh viện Nhi Thái Bình điều trị với chẩn đoán viêm phế quản nhưng không đỡ và được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.


Dị vật bị cháu Q nuốt phải

Ths.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết sau khi vào viện, bệnh nhi được chẩn đoán là viêm thanh khí phế quản cấp và được điều trị kháng sinh, giãn phế quản, khí dung, nhưng sau 1 tuần bệnh nhi vẫn không tiến triển.

Các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản thì phát hiện bệnh nhi bị hẹp khí quản do chèn ép từ ngoài vào. Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy có áp xe thực quản do dị vật gây hẹp lòng thực quản và khí quản. Tiếp tục chụp thực quản cản quang thì có hẹp nhẹ thực quản.

Do dị vật mà cháu Q nuốt phải có kích thước lớn (mảnh xương gà có kích thước 22x23x5mm) nên các bác sĩ đã tiến hành mổ mở và lấy được dị vật ra ngoài. BS Dương cho biết, hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, điều trị chống nhiễm trùng và tiếp tục theo dõi.

Gần đây nhất là trường hợp hóc dị vật của một bé trai 3 tuổi ở Quảng Bình. Cháu bé được người nhà đưa Bệnh viện cấp cứu là một bé trai 3 tuổi (trú tại xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) vào sáng cùng ngày (15/7). Theo như người nhà cháu bé kể lại, cháu bé đã nhặc chiếc đinh vít này ở nền nhà và bỏ vào miệng ngậm. Sau đó, chiếc đinh trôi tuột vào cổ họng.


Dị vật mà bé trai 3 tuổi nuốt phải là chiếc đinh vít dài 3cm

Qua kết quả khám, chụp phim, các bác sĩ đã phát hiện ra chiếc đinh này trong ổ bụng bệnh nhi với chiều dài khoảng 3cm. Rất may, chiếc đinh chưa vào thực quản xuống ruột nên không gây nguy hiểm đến tính mạng, chỉ cần theo dõi dị vật ra ngoài theo đường tiêu hóa mà không phải phẫu thuật.

Ngoài hai trường hợp điển hình trên,có nhiều trẻ phải nhập viện để lấy dị vật ra vì nuốt hạt vải, hạt nhãn, nuốt pin, nuốt thạch... đau lòng nhất là trường hợp của một bé trai 6 tháng tuổi tại Thái Bình đã tắc đường thở do nuốt hạt vải.

Đặc điểm chung của hầu hết tất cả các trường hợp trẻ bị hóc dị vật đó là bố mẹ, gia đình các bé hầu như không biết trẻ nuốt dị vật từ khi nào.

Nguyên nhân trẻ bị hóc dị vật

Trẻ nhỏ thường chưa nhận biết được công dụng, tác hại của từng đồ vật mà chúng nhìn thấy, kể cả có sự hướng dẫn của người lớn. Với bản tính tò mò, hay khám phá, trẻ có thể dễ dàng nuốt cả những vật to hay hình thù đa diện một cách nhanh chóng, nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm.

Sự bất cẩn của người lớn khi không chú ý hoặc lơ là với trẻ, cho trẻ chơi những loại đồ chơi nhiều chi tiết nhỏ như đồ chơi tháo lắp bao gồm nhiều đinh ốc nhỏ dễ khiến trẻ thuận tay nuốt theo quán tính.

Trẻ ăn nhanh và vội cũng khiến thức ăn dễ bị mắc trong quá trình nuốt gây khó thở, tím tái, thậm chí co giật hoặc trẻ ăn phải xương cá, xương gà nên bị hóc.

Cách hạn chế để trẻ không bị hóc dị vật

Bố mẹ nên quan tâm và để ý sát sao đến bé, chú ý các biểu hiện của bé, không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay; không để các vật dụng nhỏ như kim, chỉ, đinh ốc, hạt cườm, thuốc…trong tầm với của trẻ.

Tránh để trẻ tiếp xúc với những vật có kích thước và chi tiết nhỏ

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi an toàn, chỉ cho trẻ những vật dụng, đồ chơi không được phép ngậm hay nuốt. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như bỏng, lạc, các loại hạt… để đảm bảo an toàn cho trẻ, không hỏi chuyện hay gây chú ý với trẻ trong lúc trẻ ăn.

Khi chế biến đồ ăn cho con, cha mẹ nên cắt đồ ăn thật nhỏ, điều này hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ. Tránh cho bé ăn các loại thực phẩm có nguy cơ cao, những thực phẩm tốt cho sức khỏe như cá, lươn thì cha mẹ nên lưu ý chế biến thật cẩn thận.

Cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật

Việc sơ cứu vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng tới sự sống còn của trẻ chỉ trong gang tấc bởi nếu không sơ cứu kịp thời, dị vật sẽ chèn ép đường thở, chỉ sau 5 phút khiến bé bị ngừng thở.

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng(Trưởng khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.


Nếu bé tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ thật mạnh vào lưng để dị vật đi ra ngoài. Sau đó đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu kịp thời.

Cha mẹ nên dạy bé có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn, và luôn để ý tới bé.Tuyệt đối không để bé tự ý bốc đồ ăn khi chưa có sự đồng ý, giám sát của cha mẹ.
Cha mẹ lưu ý phải tiến hành sơ cứu trẻ ngay, không nên bế bé đi tới viện trong tình trạng tím tái, khó thở bởi nguy cơ tử vong ở bé lúc này rất cao.


CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ