Cách đây không lâu, Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi, được cha mẹ đưa đến khám vì “chân cháu đau hoài mà không biết tại sao”. Bề ngoài, cả hai bên chân cháu bé nhìn khá ổn, chỉ đến khi bước đi mới thấy hơi gượng vì bên chân phải nhói đau. Sau một hồi hỏi chuyện, phụ huynh của bé nhớ ra cách đó mấy tuần, cháu có chạy chơi và bị ngã, bầm tím ở đầu gối. Rồi cháu bé được đưa đến bác sĩ (BS) song cũng không phát hiện gì. Sau một tuần, vết bầm cũng biến mất...
Tổn thương tiềm tàng
“Nghi ngờ có tổn thương chưa được phát hiện, chúng tôi nhờ đến chẩn đoán hình ảnh, qua đó mới thấy cháu bé có vết nứt rạn nơi sụn tiếp hợp bên chân đau. Tổn thương này rất khó phát hiện nên cơ sở y tế trước đã bỏ sót” - BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - chỉ đạo tuyến của BV, người khám cho cháu bé, kể lại. Sau khi được phẫu thuật và giải quyết tổn thương này, chân cháu bé mới có thể lành hẳn.
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nêu ra một bệnh lý khác cũng dễ làm vết thương “trở bệnh” sau nhiều ngày tưởng đã yên: viêm xương. Nhiều trường hợp vết thương đã gần như lành hẳn bên ngoài nhưng một thời gian sau bỗng loét lại, xuất hiện lỗ xì mủ. Điều trị viêm xương khá khó khăn và dễ tái phát. Đôi khi vì vết thương chỉ bị xì một lỗ nhỏ nên người bệnh không quan tâm, không chịu đến BS và điều đó rất nguy hiểm. Viêm xương có thể gây chết xương, biến dạng xương, trước hết là ảnh hưởng vận động và nguy hiểm hơn là gây nhiễm trùng với nhiều hậu quả, kể cả nguy cơ tử vong.
Một tình huống “không ngủ yên” nữa của các vết thương liên quan đến chấn thương xương là “khớp giả”. Nhiều bệnh nhân sau vài tháng bị gãy xương, vết thương dần lành nhưng thực ra xương vẫn chưa liền lạc hoàn toàn mà tạo nên khớp giả, gây đau, khó khăn khi vận động và rất dễ gãy lại. Tình trạng này cần được giải quyết bằng phẫu thuật.
BS Mai Văn Thu lưu ý: Một số vết thương không lành hẳn nếu không được giải quyết kịp thời có thể để lại hậu quả: ví dụ như trường hợp đứa bé bị tổn thương sụn tiếp hợp, nếu không được điều trị, em bé không chỉ bị đau kéo dài mà bên chân ấy sẽ tăng trưởng không đồng đều khi cơ thể trẻ phát triển, tạo ra chân dài, chân ngắn, lâu ngày sẽ lệch cả khung chậu…
Coi chừng những cơn đau
Theo BS Đỗ Trọng Ánh, dấu hiệu dễ dàng nhất để phát hiện một vết thương “chưa yên” hoặc còn sót những thương tổn tiềm tàng đó là những cơn đau ở vùng cơ thể từng bị nạn. Nếu thời gian đã khá dài mà phần tổn thương đã có vẻ liền lạc bên ngoài vẫn gây đau nhức, rất có thể bên trong tổn thương đó “có vấn đề”. Các vết thương sau phẫu thuật cần tái khám và chăm sóc nghiêm ngặt theo yêu cầu của BS, nhất là chế độ vận động trong quá trình phục hồi sau mổ.
BS Thu khuyến cáo: “Mỗi dạng chấn thương có thời gian hồi phục khác nhau và bệnh nhân có thể nhờ BS tư vấn về thời gian tương ứng với tổn thương của mình để có phương án theo dõi tốt nhất. Nếu qua cái “mốc” để vết thương lành lặn mà còn gặp một trong số những dấu hiệu sau thì nên lập tức quay lại với BS: đau không rõ nguyên nhân, sưng, tấy đỏ, nóng, có mủ… Tuy nhiên, cho dù chưa đến thời điểm lành hẳn mà vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng (dễ thấy nhất là có mủ), bỗng dưng sưng nặng hơn hoặc đau hơn, bệnh nhân cũng nên đến BS chuyên khoa để được kiểm tra lại.
Bong gân, bầm tím cũng nên coi chừng BS Đỗ Trọng Ánh lưu ý ngay cả những dạng
chấn thương thông thường nhất như bong gân, bầm tím... cũng có thể ẩn
chứa một thương tổn nặng hơn. “Bong gân thực ra là sự tổn thương dây
chằng, gây đau. Trong nhiều trường hợp bong gân bị bỏ qua, không được cố
định, điều trị tốt có thể dẫn đến tổn thương dây chằng vĩnh viễn khiến
vùng cơ thể đó bị yếu đi, dễ tổn thương trở lại dù chỉ bị một tác động
nhẹ. Vết bầm tím cũng không nên coi thường vì nó biểu hiện cho tình
trạng xuất huyết bên trong, nhiều khi là nguy hiểm, ví dụ như vết bầm ở
mắt có thể là biểu hiện của một chấn thương sọ não. Nếu vết bầm không có
dấu hiệu giảm sau 7-10 ngày, có kèm theo đau nhức dữ dội, yếu liệt vùng
bị bầm hay các bất thường khác, cần đến BS ngay” - BS Ánh khuyên. |
Bình luận của bạn