Kì 1: "Dẫn bùa" bằng máu rắn để chữa bệnh

Với tục thờ rắn thần Naga 9 đầu, người Khmer ở Ninh Điền, Tây Ninh ngày xưa đã từng tin rằng khi được chôn cùng một con rắn độc thì linh hồn của người chết sẽ được bảo vệ. Do vậy, khi có người không may qua đời, gia quyến liền tìm một con rắn độc, lấy máu của nó nhỏ vào quan tài chứa tử thi và bắt đầu làm lễ nhập quan.

Nhưng việc giết rắn chẳng khác nào giết “con cháu” của Naga, nên vị thần rắn 9 đầu đã nổi giận, giáng tai họa xuống ngôi làng…

Naga 9 đầu bảo vệ linh hồn người chết


Tổ tiên người Khmer kể rằng, tập tục "dẫn bùa" bằng máu rắn độc bị thất truyền do Naga nổi giận

Vượt qua đoạn đường hơn trăm cây số từ TP.Hồ Chí Minh, dọc theo quốc lộ 22 chúng tôi đến được xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây chính là nơi được cho rằng còn lưu giữ những câu chuyện về tục nhập quan cùng rắn độc hết sức huyền bí.

Người dân Khmer ở một số nơi có tập tục mai táng người chết cùng 1 con rắn độc với đức tin rằng, thần rắn sẽ bảo hộ linh hồn người chết khi sang thế giới bên kia.

Tập tục này đã “thất truyền” từ rất lâu, nhưng những người già tại ấp Bến Cừ, nơi tập trung gần 100 hộ dân thuộc cộng đồng người Khmer, vẫn còn nhớ rất rõ các nghi thức của lễ mai táng kỳ lạ này.

Chúng tôi may mắn được gặp cụ Xanh Thơ Mây, 82 tuổi, ngụ ấp Bến Cừ, người được mệnh danh là “già làng” của nơi đây.

Cụ Thơ Mây khoe rằng, tên của cụ được đặt theo một lễ hội cúng mừng năm mới của người Khmer là “Choi Chnăm Thơ Mây”. Khi được hỏi về tục chôn người chết cùng một con rắn độc, cụ Thơ Mây cười bảo: “Tôi cũng chỉ được nghe người già kể lại thôi”.

Theo lời cụ Thơ Mây, thì nguồn gốc của tập tục kỳ lạ này bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ rắn thần Naga của người Khmer. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang, tượng trưng cho thần Shiva tối cao, nắm giữ trong tay sự hủy diệt.


Tượng thần rắn Naga 9 đầu - vị thần tối cao trong tín ngưỡng người Khmer

Theo quan niệm của người Khmer cổ, thì rắn 3 đầu tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân. Rắn 5 đầu tượng trưng cho 5 thành tố trong trời đất là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, tương tự như thuyết Ngũ hành của người Trung Quốc.

Còn rắn thần 7 đầu là sự đắc đạo trong tu hành. Tối cao là rắn thần Naga 9 đầu biểu trưng cho con đường dẫn đến thiên đàng. Bởi vậy, người dân Khmer ở một số nơi có tập tục mai táng người chết cùng 1 con rắn độc với đức tin rằng, thần rắn sẽ bảo hộ linh hồn người chết khi sang thế giới bên kia.

Cụ Thơ Mây cho biết, có nhiều nơi người ta bắt rắn độc bỏ vào quan tài rồi chôn sống. Bởi người dân ở các vùng này kiêng kỵ giết rắn – con vật vốn được coi là con cháu của vị thần bảo hộ Naga.

Nhưng có nơi, lại dùng máu rắn độc để “dẫn bùa”, nghĩa là người ta sẽ cắt cổ rắn, lấy máu tươi nhỏ vào quan tài như một cách để ngăn ma quỷ nhập vào người chết trong suốt tang lễ.
Sau đó, xác rắn cũng được liệm trong vải đỏ rất trang trọng. Các nhà sư Khmer sẽ đứng quanh xác rắn, cầu nguyện, “làm phép” để mong “con cháu Naga” sẽ biến thành thần rắn bảo vệ linh hồn người đã khuất.

Xác rắn sau khi qua những nghi thức cầu nguyện của các nhà sư Khmer sẽ được nhập quan cùng tử thi, và mang đi chôn.

Tập tục “thất truyền”

Chúng tôi đã khảo sát quanh vùng để hỏi xem còn gia đình nào giữ lại tập tục dùng máu rắn “dẫn bùa” cho người chết hay không, nhưng tất cả đều lắc đầu và tỏ ra kinh sợ với việc giết rắn.

Theo các tài liệu khảo cứu về tang ma của người Khmer, dù hỏa táng hay địa táng thì tang lễ đều gắn liền với ngôi chùa. Họ quan niệm rằng “sống gửi của, chết gửi xương”. Chính vì thế mà lúc sinh thời người dân không tiếc của tiếc công trong việc xây dựng và thực hiện các lễ nghi. Họ mong muốn rằng, khi về với đất họ sẽ được gửi xương lên chùa, để được nghe lời kinh tiếng kệ, để được về với Phật.

Thế nên, dưới sự chỉ dẫn của cụ Thơ Mây, chúng tôi tiếp tục tìm đến chùa Thác Rác – trung tâm sinh hoạt văn hóa và tôn giáo của cộng đồng người Khmer ở Ninh Điền. Tiếp chúng tôi là Sư thầy Noo Han – trụ trì chùa Thác Rác.

Thầy Noo Han cho biết, tập tục dùng máu rắn cho tang lễ chỉ còn là những câu chuyện truyền miệng và đồn đoán trong dân gian. Trụ trì Noo Han nói: “Tổ tiên chúng tôi kể lại rằng, có năm rắn thần Naga đã nổi giận vì người trần dám bất kính, giết hại “con cháu’” của ngài. Và đã giáng tai họa xuống trần gian”.


Sư thầy Noo Han - trụ trì chùa Thác Rác

Năm đó cộng đồng người Khmer làm ăn thất bát, nạn đói khủng khiếp kéo dài triền miên. Sau, thần rắn báo mộng cho già làng, bắt buộc chấm dứt tập tục giết hoặc chôn sống rắn độc cùng con người, bởi thần rắn 9 đầu luôn luôn bảo vệ con người dù họ là xác thịt hay chỉ còn linh hồn.

Kể từ đó, tục nhập quan cùng rắn độc đã “thất truyền”, và người Khmer lại tiếp tục hưởng phúc từ sự bảo hộ của Naga.
Cụ Thơ Mây diễn giải thêm: “Rắn độc là hiện thân của rắn thần 9 đầu Naga, một biểu tượng cao quý của tộc người Khmer chúng tôi. Và con người, vốn được thần rắn bảo vệ phải có nghĩa vụ tôn thờ, kiêng nể với con cháu của Naga để mong được bình an, thanh thản”.


Người dân Khmer ở một số nơi có tập tục mai táng người chết cùng 1 con rắn độc với đức tin rằng, thần rắn sẽ bảo hộ linh hồn người chết khi sang thế giới bên kia - Ảnh minh họa- Nguồn:internet

Nhưng còn một lý do khách quan nữa để tập tục kì lạ này “thất truyền” là bởi, rắn hổ mang – biểu trưng cho thần Naga vốn là một trong những loài động vật thuộc danh mục cần phải bảo vệ của quốc gia. Loài rắn này đang hiếm dần và việc tự ý bắt, hay giết mổ rắn hổ mang chúa chính là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo sư trụ trì Noo Han, thì với người dân ở Bến Cừ, Tây Ninh tập tục ang táng phổ biến nhất chính là hỏa táng. Sau khi đã nhập quan và các nghi thức đã được hoàn thành, thi hài sẽ được khiêng ra bãi đất trống nằm ở phía Tây chùa Thác Rác để tiến hành hỏa táng.

Nhưng lạ một điều là nơi đây lại không có nhà hỏa táng được xây dựng đúng chuẩn, mà thi hài người chết được thiêu lộ thiên, giữa đồng không mông quạnh…

(Còn nữa)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin