3 bố con bị liệt do uống tiết nưa pha rượu

Chiều 3/10, gia đình ông Lê Văn Hồ (84 tuổi, Đắk Lắk) đã thực hiện thủ tục xuất viện cho anh Lê Văn Chính (44 tuổi) sau khi các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chứng viêm đa rễ thần kinh của anh này và những người trong gia đình không thể chữa trị dứt điểm.

Từ một người đàn ông khỏe mạnh, sau hai tháng uống tiết nưa, anh Chính đã không thể tự đi

Anh Chính xuất viện trong tình trạng hai chân yếu, không thể tự đứng và đi. Cùng điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới còn có anh Lê Văn Thưởng (39 tuổi, em trai của anh Chính). Thưởng cũng ăn thịt và uống rượu pha với máu nưa cùng các thành viên trong gia đình hôm 6/8.

Anh Chính cho biết, anh cảm nhận chân mình yếu dần sau hai tháng nằm viện. Còn anh Thưởng không thể ngồi, nửa dưới cơ thể hoàn toàn bị liệt. Bệnh nhân này không tự ăn uống, các sinh hoạt phải do người thân trợ giúp.

Bà Đoàn Thị Hiền - vợ ông Lê Văn Hồ - cho biết, sức khỏe của chồng bà yếu hơn các con. "Ông nhà tôi nằm liệt giường từ hơn tháng nay. Cả nhà lo ông không qua khỏi", bà nói.

Cũng theo bà Hiền, ngoài 3 người bị nặng, hiện cháu Lê Hoàng Phong (9 tuổi, con của anh Chính) cũng bị sưng phù toàn thân và có biểu hiện khó thở. Triệu chứng này giống với những người trong gia đình đã ăn thịt và uống tiết nưa pha rượu.

Được biết, vào đầu tháng 8, thấy con nưa được bán ở chợ, tưởng đây là con trăn, gia đình bà Hiền mua về định nấu cao. Thịt nưa sau đó được mang đi chế biến thức ăn, tiết được pha với rượu. Cả gia đình gồm 14 thành viên đều ăn và uống tiết nưa pha rượu. Khoảng 10 ngày sau, triệu chứng mỏi vai cổ và đau đầu xuất hiện, 7 người phải vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để điều trị. Theo nhận định ban đầu của bác sỹ, các bệnh nhân này bị suy gan nghi do ngộ độc.
Anh Thưởng cũng bị liệt nửa người

Đến giữa tháng 8, gia đình chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sỹ đã làm xét nghiệm để tìm ký sinh trùng gây ngộ độc nhưng không thấy và xác định bệnh nhân bị chứng viêm đa rễ thần kinh.

PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện không có thuốc hoặc phương pháp đặc trị dứt điểm chứng viêm đa rễ thần kinh. Chính vì thế, các bệnh nhân sẽ được xuất viện khi tình trạng sức khỏe chung đã ổn định.

Cũng theo BS. Bính, việc tìm không thấy ký sinh trùng gây viêm đa rễ thần kinh không hẳn là các bệnh nhân này không bị mắc ký sinh trùng. Bởi các loại bò sát hoang dã ăn rất nhiều loại thức ăn có thể mang ký sinh lạ mà những thiết bị xét nghiệm tại Việt Nam hiện nay chưa thể phát hiện để định danh.

Qua vụ việc của gia đình ông Hồ, các bác sỹ khuyến cáo người dân phải cẩn trọng khi mua và chế biến thực phẩm, đặc biệt không nên ăn hoặc uống tiết động vật vì rất dễ nhiễm ký sinh trùng.

Năm 2013, tại tỉnh Gia Lai đã có trường hợp nhầm nưa với trăn, người nuôi bị nưa cắn tử vong. Theo kinh nghiệm của người đi rừng, tuy hình dạng bên ngoài của nưa và trăn khá giống nhau nhưng nưa có 2 râu ở miệng, có răng. Nưa thường ngóc đầu lên khỏi mặt đất còn trăn thì không. Ngoài ra, nếu quan sát kỹ, ngoài 2 mũi, nưa còn có 7 lỗ nhỏ vốn giữ chức năng trao đổi khí nên được gọi là trăn 9 mũi. Đây được xem là loại bò sát có nọc độc gây chết người.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn