Bao giờ người dân an tâm khám bệnh?

Tính mạng người bệnh bị coi thường

Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã "mượn” máy xét nghiệm sinh hóa tự đặt tại Khoa Xét nghiệm để sử dụng. Điều đáng nói là máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi mà Bệnh viện đa khoa Thường Tín "mượn” đã cũ nát và quá date tới... gần 20 năm.

Trong khoảng thời gian từ 7/2013 đến nay, chí ít cũng đã có cả nghìn người bệnh bị làm xét nghiệm trên chiếc máy nhập lậu. Điều này đồng nghĩa với việc, rất có thể cả nghìn người bệnh đó có kết quả xét nghiệm chưa chính xác, đơn giản vì chiếc máy này là hàng thải ở xứ người và chưa hề được kiểm định bởi các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Người dân cần máy xét nghiệm tốt chứ không phải cũ nát

Để bao biện cho hành vi coi thường mạng sống người bệnh của đơn vị mình khi sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại diện Bệnh viện đa khoa Thường Tín cho rằng, việc đơn vị "mượn” chiếc máy Hitachi 717 từ các "đối tác” do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, trục trặc không sử dụng được.

Theo luật tất cả các máy đo lường đều được cơ quan chức năng kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, huống hồ các loại máy đo lường, xét nghiệm rất tinh vi trong y tế liên quan tới sinh mạng con người.Thiết nghĩ điều tối quan trọng này lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thường Tín chắc chắn biết. Vậy vì sao họ lại dám “mượn” máy cũ nhập lậu để làm xét nghiệm cho hàng vạn bệnh nhân trong năm qua?

Thiết bị y tế cũ nát tràn lan

Không chỉ Bệnh viện đa khoa Thường Tín "mượn” thiết bị y tế cũ nát, rất nhiều bệnh viện tuyến huyện tại các tỉnh đã dùng chiêu thức này để cấu kết với các công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế tuồn hóa chất vào bán lấy tiền ăn chia lợi nhuận.

Một trong những lô hàng thiết bị y tế thuộc diện cấm nhập khẩu thời gian qua bị bắt.

Thủ đoạn cho mượn máy xét nghiệm để bán hóa chất không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Thường Tín mà rất nhiều bệnh viện khác thuộc các tuyến huyện hoặc các bệnh viện tuyến tỉnh như Thanh Hóa, Hải Dương… đều tồn tại thực trạng như vậy. Bằng chứng, mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) đã khởi tố 4 doanh nghiệp về hành vi buôn lậu thiết bị y tế cũ nát vào Việt Nam.

Có thể, việc cho mượn máy cũ và bán kèm hóa chất là một cách kinh doanh của doanh nghiệp thiết bị y tế.Nhưng hậu họa sẽ không thể lường được nếu những lô thiết bị y tế nói trên chui được vào các bệnh viện.

Trách nhiệm “chẳng thuộc về ai”?

Từ bài học của Bệnh viện đa khoa Thường Tín, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai mở rộng việc kiểm tra đối với các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hành vi sử dụng thiết bị y tế quá date, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Song, cho dù có quyết tâm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng không thể đủ lực lượng, thời gian để "căng” ra thanh tra, kiểm tra toàn bộ các đơn vị y tế trên địa bàn khi mà thiết bị y tế quá hạn và nhập lậu đang tràn lan. Điều này khác gì “đem cóc bỏ đĩa.

Theo khoản 2, điều 70, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế. Như vậy có thể xác định Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc việc để thiết bị y tế đã qua sử dụng, quá đát được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên qua sự việc này dường như Bộ Y tế chỉ làm một việc duy nhất để khắc phục đó tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, còn trách nhiệm thì vẫn chưa thấy tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận.

Bao giờ người dân đi khám bệnh mới có thể an tâm về chất lương khám bệnh của các bệnh viện? Câu trả lời chỉ người bệnh chỉ có thể chờ từ Bộ Y tế và các bệnh viện.


CTV1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn