Bệnh đau mắt đỏ lây lan với tốc độ nhanh

Đang có dấu hiệu gia tăng nhanh

Trong những ngày qua tại Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân bị viêm kết mạc cấp (thường gọi là bệnh đau mắt đỏ) đến khám đã tăng hơn đáng kể so với những ngày bình thường.

Tại Khoa khám bệnh và điều trị Ngoại trú, Bệnh viện Mắt Trung ương số lượng người đến khám đau mắt đỏ đã có chiều hướng gia tăng, đa số các trường hợp đến khám bệnh đều đã đã bị đau mắt đỏ hoặc có triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ.

Theo đó, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 60 đến 70 lượt bệnh nhân/ngày. Con số này so với các đợt dịch đỉnh điểm hàng năm tuy chưa bằng (khoảng 100 ca/ngày) nhưng cũng đã tăng khá nhiều so với những ngày bình thường.

Cũng giống như Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, số lượng bệnh nhân cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trong những ngày đầu tháng 9.


Bệnh đau mắt đỏ lây lan với tốc độ nhanh


Cả gia đình bị đau mắt đỏ

Đó là thực tế đã xảy ra trong những ngày này ở Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện rải rác một số ổ dịch ở các hộ gia đình và khu dân cư.

Chị Đào Thị Ánh Tuyết (Hoàng Mai - Hà Nội) cùng con gái đang chờ khám vì bị đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương. Theo chị Tuyết, cả gia đình chị có 5 người thì có 3 người đã chính xác bị đau mắt đỏ, còn 2 thành viên còn lại đang có những triệu chứng đáng nghi.

“Đầu tiên là con gái tôi (đang học lớp 2) bị, sau đó tôi là người chăm sóc trực tiếp nên cũng bị theo, do lo lắng nên giờ hai mẹ con phải vào viện khám, nhờ bác sỹ tư vấn và mua thuốc về dự phòng cho cả nhà”, chị Tuyết cho biết.

Khi đặt câu hỏi: Tại sao khi biết bệnh có khả năng lây lan nhanh, gia đình không có những biện pháp cách ly hoặc điều trị để tránh bị lây cho người khác? Chị Tuyết cho hay: “Điều đó là rất khó, bởi khi mình bị thì có thể xin nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho đồng nghiệp, hoặc cho con nghỉ để tránh bị lây cho các bạn. Nhưng trong gia đình thì rất khó tránh, vì sinh hoạt cùng nhau. Chẳng lẽ, 2 người bị đau mắt đỏ ăn riêng, còn 3 thành viên khác lại ăn riêng”.

Không chỉ có ở gia đình, mà nguy cơ dịch lây lan ra nhanh tại các khu tập thể cũng rất cao. Nhất là tại các KTX sinh viên, điều kiện sinh hoạt tập chung, ở phòng tập thể...

Điển hình là trường hợp của bạn Thu Thủy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền. “Khi bị đau mắt đỏ, em cố đi học vì đầu năm không muốn nghỉ, nhưng chính vì thế mà cô bạn thân của em cũng bị lây theo. Giờ em phải tạm xin về quê nghỉ ngày cuối tuần để cho khỏi hẳn rồi đi học, không có sợ lây lan cho các bạn cùng lớp”, bạn Thủy cho hay.

Qua những trường hợp trên, các bác sỹ khuyến cáo dù bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nhưng không nên chủ quan mà cần phải có các biện pháp để phòng tránh sự lây lan ra cộng đồng. Bởi đây là căn bệnh có khả năng lây lan khá nhanh.

CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn