Vì những lý do này, số bệnh nhân đến các bệnh viện khám và điều trị bệnh về xương khớp tăng vọt trong mùa lạnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Ngọc, Khoa Khớp Bệnh viện Bạch Mai, thường có sự gia tăng đột biến các trường hợp bệnh thấp khớp vào giai đoạn chuyển mùa như Thu - Đông và Đông - Xuân, đặc biệt là vào thời tiết lạnh. “Những ngày này, số bệnh nhân đến khám bệnh khớp rất đông, tăng gấp rưỡi những ngày thời tiết bình thường, có khi con số bệnh nhân khám lên tới cả trăm, trong khi trung bình chỉ là 50-60”, bác sĩ Ngọc nói.
Ông cho biết, khi thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến cho các yếu tố gây bệnh như: vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp, các gân cơ thường bị co rút gây nên các chứng vẹo cổ cấp do lạnh, vận động khớp khó khăn khiến bệnh nhân dễ ngã. Thậm chí có thể gây nên gãy xương. Một số bệnh nhân bị gút cũng thường hay bị tái phát các đợt viêm khớp cấp trong thời tiết lạnh do axit uric trong máu bị kết tủa lắng đọng vào khớp gây viêm.
Mùa lạnh, những người trẻ khỏe cũng có thể mắc các vấn đề về xương khớp. Ảnh minh họa: Lê Anh.
Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên đau. Hay gặp nhất là các trường hợp sáng thức dậy bị cứng khớp cổ tay, chân và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hồi mới giảm bớt cảm giác cứng khớp.
“Bình thường chỉ khi để khớp ở tư thế bất động lâu mới xảy ra hiện tượng cứng khớp như buổi sáng mới ngủ dậy. Nhưng khi thời tiết lạnh, chỉ cần bất động khớp 5-10 phút như ngồi xổm, đứng, gác chân ở một tư thế… đã xuất hiện cơn cứng khớp”, bác sĩ giải thích.
Ông cho biết, thời gian cứng khớp có thể kéo dài tới hàng giờ, khiến người bệnh đau đớn, không thể cử động được. Đây là biểu hiện của chứng viêm khớp thấp. Nếu không chú ý điều trị và giữ gìn sức khỏe rất dễ dẫn tới sưng đau khớp kéo dài sẽ rất nguy hiểm, thậm chí tàn phế.
Theo tiến sĩ Phạm Quang Thuận, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thể thao Việt Nam, mùa lạnh đơn vị này cũng tiếp nhận đông bệnh nhân đến khám, chữa xương khớp hơn hẳn, mặc dù không có thống kê cụ thể.
Bác sĩ Thuận cho biết, bệnh nhân khớp tăng là điều đương nhiên, vì khi thời tiết lạnh giá, sinh hoạt thường ngày của chúng ta bất cập, khó k hăn hơn, nhiều người dễ bị co cứng gân cơ. Không những thế, các bệnh mãn tính như viêm, thoái hóa khớp, thấp khớp cũng thường trở nặng khi thời tiết lạnh vì sức đề kháng của cơ thể giảm.
Bác sĩ Thuận khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh cơ xương khớp trong mùa lạnh, mọi người phải luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cơ thể xa tim như tay, chân. Có chế độ lao động, nghỉ ngơi thích hợp, đặc biệt lưu ý tư thế cơ thể khi làm việc, nhất là công việc phải bê vác, kéo, nâng vật nặng. Tư thế lúc nghỉ cũng phải đảm bảo đúng, tránh tư thế nửa nằm, nửa ngồi, gối đầu cao quá lâu.
Thường xuyên và duy trì đều đặn việc tập luyện thể dục thể thao ở mức phù hợp với bản thân mỗi người, tránh tập luyện quá sức. Cung cấp đủ thành phần dinh dưỡng, nước uống nhằm đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
Ngoài ra, mỗi người cũng nên đi khám và tư vấn định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nói chung, bệnh lý cơ xương khớp nói riêng.
Theo bác sĩ Nguyễn Vĩnh Ngọc, những bệnh nhân bị bệnh về xương khớp có thể giảm đau bằng cách lấy lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối rồi nướng nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm giảm đau, giảm sưng. Còn với những người có nguy cơ cao bị đau khớp (người lớn tuổi, người béo phì...) có thể dùng bài thuốc này chườm lên khớp hàng ngày sẽ có tác dụng phòng bệnh. Một cách khác là ngâm chân bằng nước muối ấm pha gừng. Mỗi ngày, tốt nhất ngâm chân một lần vào thời gian thuận lợi, ngâm từ 15 đến 30 phút. Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau và phòng bệnh đau khớp cổ chân.
Bình luận của bạn