Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tay chân miệng do một nhóm virus thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là Coxsackievirus A16, đôi khi do Enterovirus71 và các virus ruột khác.
Theo các chuyên gia, A16 ít gây biến chứng thần kinh và có thể tự hết trong vài ngày, còn EV 71 là loại nguy hiểm dễ gây các biến chứng thần kinh và tim mạch khiến trẻ tử vong. Nhóm virus ruột bao gồm các phân nhóm virusPoliovirus, coxsackievirus,Echovirusvà một số enterovirus khác không xếp vào phân nhóm nào.
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ.
Một số biểu hiện của dịch bệnh tay chân miệng
Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị.
Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.
Chủ động phòng ngừa
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa là hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng. Tuyệt đối không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân. Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch. Cho trẻ nghỉ học, hạn chế đi chơi cho đến khi khỏi bệnh.
Cần thực hiện đảm bảo các biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh
Với các vật dụng, cũng như đồ chơi của trẻ, các bậc cha mẹ nên thường xuyên lau rửa sạch sẽ cho con. Tránh tình trạng nhiễm bẩn khi trẻ cho vào miệng rất dễ dẫn tới nguy cơ nhiễm khuẩn.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và vai trò của tiêm chủng, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng tổ chức Cuộc thi “Xây dựng Thông điệp phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng” với cơ cấu giải thưởng rất hấp dẫn. Đối tượng tham gia dự thi là tất cả mọi người dân Việt Nam có khả năng tham gia sáng tạo các tác phẩm dự thi. Chi tiết xem tại địa chỉ website: thongdiepsuckhoe.com.vn
|
Bình luận của bạn