Vì sao cơ thể tổn thương khi nắng nóng?
Việc mất khả năng điều hòa thân nhiệt, tăng đáp ứng pha cấp và thay đổi trong việc giải phóng các protein sốc nhiệt là các tác nhân ảnh hưởng tới cơ thể, làm mất hoặc giảm các cơ chế tự điều hòa, làm tăng quá trình tiến triển từ stress do nắng nóng đến đột quỵ do nắng nóng. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cung lượng tim có thể lên tới 20l/phút nhằm đưa máu từ trung tâm đến dưới da để thải nhiệt. Việc mất nước mất muối làm giảm cung lượng tim gây mất điều hòa thân nhiệt. Khi lượng máu tới da và cơ tăng do nóng hoặc do vận động gắng sức, lượng máu nuôi tạng sẽ giảm. Hậu quả là gây tăng tính thấm ở ruột, tăng giải phóng các cytokines của quá trình viêm, tăng phóng thích các nội độc tố ở ruột vào máu. Việc tăng các protein sốc nhiệt giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do nhiệt độ cao, tình trạng thiếu ôxy, thiếu máu, nội độc tố và các cytokine gây viêm. Ở những cá thể có nồng độ protein sốc nhiệt thấp thì khả năng tổn thương do nắng nóng tăng lên rất nhiều.
Các mức độ bệnh lý do nắng nóng
Có nhiều mức độ bệnh lý do nắng nóng gây nên như:
Say nắng nóng: Đây là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là hai tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...) hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó, trong say nắng nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.
Ngất xỉu, phù, chuột rút, cơn tetany do nắng nóng.
Stress do nắng nóng: Cảm giác mệt mỏi, ăn uống kém, nặng nề không thoải mái do phải làm việc ở môi trường nắng nóng quá lâu.
Kiệt sức do nắng nóng: Các mức độ từ nặng đến nhẹ với biểu hiện khát nước nhiều, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn, choáng ngất. Thân nhiệt trung tâm có thể bình thường hoặc tăng nhẹ nhưng không bao giờ vượt quá 40oC. Kiệt sức do nắng nóng chủ yếu do mất nước mất muối nhiều.
Đột quỵ do nắng nóng: Trên lâm sàng là một tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 40oC kèm theo da nóng, khô với các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và thậm chí hôn mê. Biến chứng nặng nề nhất là hội chứng suy đa tạng với các tổn thương về thần kinh, tiêu cơ vân, suy thận cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương cơ tim, tổn thương gan và tụy, thiếu máu hoặc nhồi máu mạc treo, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Xử trí thế nào?
Trước một bệnh nhân bị các bệnh lý do nắng nóng, việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa bệnh nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người hoặc phun nước lạnh hay nhúng cả người bệnh nhân vào bể nước mát. Khi nhiệt độ xuống 380C, đưa bệnh nhân vào chỗ thoáng mát. Sau đó có thể cho bệnh nhân uống aspirin hoặc aminazin rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.
Tại cơ sở y tế, với những trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, điều chỉnh thăng bằng điện giải, kiềm toan, truyền dịch khoảng 5 lít (đường 5%; Nacl 0,9%), chống suy thận cấp do tiêu cơ vân. Khi cần phải tiến hành lọc máu cho bệnh nhân và điều chỉnh rối loạn các tạng khác: suy gan, rối loạn đông máu, chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ... cho tới khi bệnh nhân phục hồi.
Bình luận của bạn