Chi nhánh công ty dược phẩm Novartis tại Italy bị điều tra



Năm 2010, Bộ Y tế Italy đã ra lệnh đình chỉ nguồn cung cấp vắcxin cúm lợn H1N1 sau khi tình trạng báo động khẩn cấp cúm lợn giảm bớt.

Trước đó vào tháng 11/2009, đã có sáu ca tử vong liên quan đến cúm lợn ở Italy, dẫn đến nguy cơ bùng phát đại dịch cúm lợn H1N1, do vậy, cơ quan y tế Italy đã phải phát động chiến dịch tiêm vắcxin phòng ngừa cho trên 40% dân số (Italy có dân số khoảng 60 triệu người).

Hiện giám đốc điều hành bộ phận vắcxin của Novartis tại Italy, Francesco Gulli đang bị điều tra và hai nhà máy của công ty đa quốc gia Novartis ở Italy cũng đã bị các nhà điều tra khám xét vào ngày 20/6.

Các công tố viên cũng cáo buộc bộ phận chuyên trách về vắcxin của Novartis đã không áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn những gian lận có thể xảy ra.

Ngoài vấn đề bị điều tra lừa gạt, công ty con của Novartis tại Italy còn bị điều tra về gian lận thuế.

Đầu tháng Sáu, cảnh sát tài chính Italy đã tiến hành khám xét văn phòng của Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (Aifa), cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép lưu hành thuốc trong nước.

Chiến dịch lục soát tìm kiếm bằng chứng ở Aifa là một phần trong cuộc điều tra với cáo buộc gian lận và thao túng thị trường đối với các công ty dược phẩm Thụy Sĩ là Roche và Novartis.

Hai công ty này bị nghi ngờ thông đồng để cản trở việc phổ biến sử dụng một loại thuốc điều trị bệnh về mắt giá rẻ và thay vào đó ép buộc thị trường và bệnh nhân dùng một loại thuốc đắt tiền hơn.

Việc thông đồng của công ty Lucentis thuộc Novartis với Avastin của Roche được cho là đã gây thiệt hại cho dịch vụ y tế quốc gia của Italy trên 45 triệu euro trong năm 2012, thậm chí có khả năng gây thiệt hại lên đến 600 triệu euro một năm nếu loại thuốc trên vẫn được lưu hành.

Khi tin tức về cuộc điều tra đối với Novartis rộ lên, Hiệp hội người tiêu dùng Codacons, Italy cho biết sẽ yêu cầu tòa án Italy xác minh hành động vô trách nhiệm của Aifa trong vụ việc nói trên.

Ngày 5/3 vừa qua, Cơ quan chống độc quyền của Italy đã tuyên phạt Novartis và Roche tổng cộng hơn 180 triệu euro với cáo buộc thông đồng thao túng thị trường ở Italy.

Novartis bị phạt 92 triệu euro và Roche bị phạt 90,5 triệu euro. Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai công ty này đều tuyên bố những cáo buộc trên là vô căn cứ và sẽ kháng cáo lên tòa án hành chính.
Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn