Chủ động phòng ngừa tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng diễn biến bất thường ngay từ đầu năm

Làm gì để tránh bệnh tay chân miệng?

Đầu năm, bệnh tay chân miệng xuất hiện bất thường

Diễn biến phức tạp

Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi.


Các biểu hiện của dịch bệnh tay chân miệng

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Năm 2014, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 07/5/2014, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng tại các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc tăng 39,9%, Ma Cao tăng 47,8% và Singapore tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc tại 62 tỉnh /thành phố, ghi nhận 02 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là EV71. Số mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam chiếm 80,4%. Mặc dù số mắc giảm 18,6%, số tử vong giảm 05 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 và số mắc giảm 52,7%, số tử vong giảm 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012. 

Chủ động phòng tránh

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, Bệnh tay chân miệng đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.


Cần cảnh giác với dịch bệnh tay chân miệng

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh như:

Hướng dẫn và khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ đúng cách bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Rửa tay sạch sẽ giúp trẻ phòng tránh rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa trong đó có bệnh tay chân miệng. 

Siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng thường bám dính và tồn tại khá lâu trên vật dụng và đồ chơi của trẻ, trẻ em thường hay bỏ những vật dụng hoặc đồ chơi vô miệng nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Rửa sạch vật dụng và đồ chơi của trẻ là cách tốt nhất để loại bỏ các tác nhân gây bệnh này. 

Sàn nhà là nơi trẻ thường xuyên chơi đùa, nếu không sạch sẽ dễ lây bệnh tay chân miệng. Việc lau chùi sàn nhà sạch sẽ theo khuyến cáo của ngành Y tế bao gồm: lau hoặc rửa sạch bụi và các chất bẩn trên sàn nhà bằng nước và xà phòng trước, sau đó mới lau bằng dung dịch khử khuẩn đã pha. Để trong 10 - 20 phút, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô. Dung dịch dùng để khử khuẩn đồ chơi cho trẻ và lau sàn nhà được khuyến cáo là dung dịch Cloramin B hoặc dung dịch nước Javel theo hướng dẫn pha và sử dụng của ngành Y tế. 

Khi phát hiện thấy dấu hiệu của bệnh, cần theo dõi sát. Các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng gồm: loét họng, thường biểu hiện bằng chảy nước miếng nhiều và biếng ăn, biếng bú; Nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối hoặc cùi chỏ. Một số trường hợp cần đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: Sốt cao, giật mình, hốt hoảng, nôn ói nhiều, run tay chân.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và vai trò của tiêm chủng, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng tổ chức Cuộc thi “Xây dựng Thông điệp phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng” với cơ cấu giải thưởng rất hấp dẫn.

Đối tượng tham gia dự thi là tất cả mọi người dân Việt Nam có khả năng tham gia sáng tạo các tác phẩm dự thi.

Chi tiết xem tại địa chỉ website: thongdiepsuckhoe.com.vn

CTV10
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn