Cuối năm, gia tăng tai nạn lao động do tăng ca, kíp

Tai nạn tăng 20% so với bình thường

Sáng 6/12, Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Lê Thanh Tùng (18 tuổi, quê Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn trong quá trình vận hành máy dập thảm dẫn tới giập nát một cánh tay.

Anh Lê Thanh Nam, người làm cùng xưởng với Tùng cho biết, nơi anh làm việc là cơ sở sản xuất thảm xuất khẩu quy mô hộ gia đình, với hơn 10 lao động. Thông thường, ở đây ít khi xảy ra TNLĐ nặng, nếu có chỉ là va đập nhẹ. Gần đây đơn hàng nhiều, lại vào dịp giáp tết nên cơ sở phải tăng ca, đổi kíp nhằm hoàn thành chỉ tiêu, tạo điều kiện để lao động nghỉ tết sớm.

Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa TNLĐ vào dịp cuối năm
Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa TNLĐ vào dịp cuối năm

“Cũng chính bởi áp lực chỉ tiêu sản lượng, nên cơ sở phải tăng ca, kíp triền miên, lao động chúng tôi thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Vì đi làm chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng nên chủ bảo làm thì phải làm, không làm thì nghỉ ăn” – anh Nam cho hay.

Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận trung bình 2-3 ca ngã giàn giáo/ngày. Điều dưỡng trưởng Vũ Hoàng Anh cho biết, phần lớn bệnh nhân là lao động khu vực nông thôn, xong việc đồng áng là đi phụ hồ kiếm thêm. Dịp giáp tết, lao động đổ về thành phố nhiều nên số bệnh nhân cũng tăng.

Trong số này, điều dưỡng Hoàng Anh nhớ nhất hoàn cảnh của bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa (xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội), nhập viện ngày 17/10. Bà Hoa chủ yếu làm nông nghiệp, sau vụ mùa năm nay, bà đi phụ hồ thì bị gặp nạn. “Bệnh nhân bị ngã giàn giáo từ tầng 2 xuống, vỡ đốt sống thắt lưng L1 dẫn đến bị liệt tủy hoàn toàn. Bệnh nhân phải được phẫu thuật để đóng nẹp vít với kinh phí là 25 triệu đồng mà hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể lo được, cứ nằm một mình trong viện”- Hoàng Anh nói.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thống kê không chính thức tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy vào khoảng 3 tháng cuối năm, số vụ TNLĐ lại tăng khoảng 20% so với các quý trước. Trong đó, tai nạn do ngã giàn giáo lên tới 303 trường hợp (chiếm 14,6% tổng số vụ TNLĐ mà bệnh viện tiếp nhận), xếp sau đó là tai nạn máy móc với 259 vụ (chiếm 12,5%).

Nhiều bệnh nhân bị TNLĐ cho biết đã phải làm liên tục từ 12 - 14 giờ/ngày. “Đây là 2 trong số 5 nhóm bị TNLĐ nặng, bệnh nhân bị tai nạn ngã giàn giáo thường có tỷ lệ thương vong cao nhất và rất khó có thể hồi phục. TNLĐ do máy móc, tuy tỷ lệ tử vong không nhiều nhưng các chấn thương thường rất nặng nề, quá trình phẫu thuật hoặc điều trị rất tốn kém”– bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng nói.

Doanh nghiệp và người lao động cần đề phòng

"Việc gia tăng cường độ làm việc, tăng ca kíp vào cận tết khiến người lao động mệt mỏi, chủ quan dẫn tới TNLĐ. Đặc biệt quá trình tăng cường độ lao động, không kết hợp với việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc, chuyển giao kỹ thuật cho công nhân mới, truyền thông để lao động cảnh giác trong việc chủ động phòng tránh là nguyên nhân chính dẫn tới TNLĐ”.

Ông Phùng Huy Giật -Trưởng ban Thông tin, tuyên truyền huấn luyện, Hội An toàn vệ sinh lao động

Ông Vũ Mạnh Trí - chủ thầu xây dựng ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) khẳng định, thời điểm mùa khô cuối năm là mùa cao điểm xây dựng. “Ngay cả các công ty xây dựng lớn còn phải thuê các nhóm thợ của các cai thầu. Công ty nhỏ như chúng tôi cũng phải thuê thêm lao động thời vụ. Thường thì chúng tôi cố gắng nhắc nhở, kiểm soát tai nạn nhưng vẫn không xuể. Nhất là những hôm phải đổ dầm, đổ sàn, lao động thường phải mang vác nặng, đứng trên các sàn gỗ tạm nên rất nguy hiểm. Tai nạn sứt sát tay chân cũng nhiều”- ông Trí nói.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – chủ cơ sở sản xuất miến ở Thanh Oai (Hà Nội) cho hay: “Đặc điểm tiêu dùng ở VN là cận tết thường tăng 30-50% sức mua. Vì thế, cứ cận tết là doanh nghiệp lại phải tăng công suất”. Thông thường, trước và sau tết cơ sở này cung ứng khoảng 1 tấn miến cho đầu mối. Để đáp ứng sản lượng này, cơ sở của ông Hoàng Anh phải thuê khoảng 15 lao động. “Số lao động cũ thì hầu như chúng tôi không phải tập huấn, nhưng lao động thuê khoán việc mới thì cũng có nói qua về quy trình sản xuất, trong đó có vấn đề sử dụng máy móc an toàn. Tính chất công việc cũng không phức tạp nên không đáng lo” – ông này cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng cũng chính bởi sự chủ quan này mà nguy cơ xảy ra TNLĐ càng cao.

Nhằm hạn chế tình trạng TNLĐ cuối năm, Cục và Bộ LĐTBXH đã có những giải pháp tăng cường thanh kiểm tra, tập trung vào những ngành có xảy ra nhiều TNLĐ như các hầm kín, dễ cháy nổ… yêu cầu thanh tra của 63 tỉnh thành, liên ngành vào cuộc.

“Điều quan trọng nhất là các cấp các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phải chủ động quan tâm đảm bảo ATLĐ, vì không ai có thể quan tâm, đi sâu đi sát với người lao động. Bên cạnh đó đơn vị quản lý cũng sẽ có giám sát yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ATLĐ, chú trọng hướng dẫn an toàn cho các lao động thời vụ tranh thủ làm thêm cuối năm” – ông Thắng khẳng định.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin