Mất tiền mua nước “bẩn”
Suốt 1 năm nay, hơn 600 hộ dân sinh sống tại khu chung cư Nam Đô, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang phải dùng nước bẩn dù họ vẫn phải đóng tiền nước sạch như bình thường.
Theo kết quả kiểm nghiệm vào tháng 4/2014 của cơ quan chức năng, nồng độ Asen trong nước ở tòa nhà chung cư Nam Đô gấp mức cho phép so với mức tiêu chuẩn. Nước quá bẩn, người dân phải tự làm bể lọc để lấy nước ăn, còn tắm giặt, vệ sinh vẫn dùng trực tiếp nguồn nước từ bể bơm.
Theo phản ánh của nhiều cư dân sống tại khu Đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội từ hơn 1 tháng nay nước sinh hoạt tại một số tòa nhà có màu vàng đục và thường xuyên bị mất nước.
Nước sinh hoạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội đầy cặn bẩn
Tại các quận nội thành, nhân dân cũng vô cùng bức xúc về tình trạng nước sạch nhiễm bẩn. Theo phản ánh của các hộ dân tại khu vực phường Phúc Tân, Bạch Đằng, Lý Thái Tổ, thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), vài tháng trước đây, nước sạch tại khu vực này có hiện tượng vẩn đục, nổi váng và có cặn bám xung quanh các vật chứa nước.
Hiện tượng này khiến người dân vô cùng lo lắng khi sử dụng nước trong sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở số nhà 8, ngõ 135, phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Nước sạch bị vẩn đục, nổi váng, đóng cặn bắt đầu xuất hiện từ giữa năm ngoái, chúng tôi không dám sử dụng vào việc nấu ăn mà chỉ dám dùng để tắm, giặt. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND phường Phúc Tân, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm và tình trạng này đã được khắc phục”.
Tuy nhiên, chị Hoa vẫn băn khoăn: “Hiện tại nước sạch đã trong, không có hiện tượng bất thường, nhưng chất lượng nước có bảo đảm hay không thì chúng tôi không biết. Và thực sự là chúng tôi không tin tưởng vào chất lượng nước sạch đang sử dụng”.
Tại quận Cầu Giấy, những khu vực trọng điểm như các tổ 43, 45, 46 phường Quan Hoa đã không còn thiếu nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh, tổ 43, phường Quan Hoa thì nước sạch ở đây thỉnh thoảng có mùi thuốc sát trùng rất nặng, “không biết có phải do nước chưa được sạch ở khu vực này thường xuyên có mùi thuốc sát trùng. Mỗi khi có hiện tượng như vậy, gia đình chúng tôi phải mở nắp thùng chứa nước để cho bay hết mùi rồi mới sử dụng”. Ông Minh cho biết.
Chị Lê Minh Huyền ở số nhà 41, ngõ 83, Phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) phản ánh, nước uống của gia đình chị đựng trong bình thủy tinh thường có cặn bám rất nhiều, thậm chí uống vào thấy vướng trong cổ. Ban đầu gia đình chị nghĩ do ấm đun nước dùng đã lâu năm nên có cặn bám, nhưng khi đun nước bằng ấm mới, hiện tượng cặn nhiều vẫn xảy ra. Và cho đến thời điểm này, tình trạng nước đóng cặn vẫn chưa được cải thiện”.
Hoang mang vì nước nhiễm độc
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội ngày 2/7 về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị Thành phố Hà Nội đình chỉ hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 vì có nồng độ asen trong nước vượt gần 4 lần quy định cho phép. Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trên 1.200 hộ dân (tương ứng khoảng trên 7.000 nhân khẩu) đang sử dụng nguồn nước do trạm này cung cấp.
Bộ Y tế kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước ở Hà Nội
Tại tòa nhà CT4 Khu đô thị Mỹ Đình 2, rất nhiều người dân buộc phải dùng xô, chậu đi xin nước tại các khu vực lân cận do trước đó Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã tạm ngừng cấp nước để thực hiện các biện pháp xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng TP Hà Nội.
Chị Phạm Hà Thanh, chủ hộ số 418, nhà CT3A cho biết: Kể từ khi chuyển nhà về CT3A năm 2011, gia đình chị hoàn toàn yên tâm về chất lượng nguồn nước do Trạm Cấp nước Mỹ Đình II cung cấp. "Cũng giống như nhiều gia đình khác trong tòa nhà, khi chuyển về đây, gia đình tôi cũng lắp đặt ngay máy lọc nước. Quá trình sử dụng, do không thấy hiện tượng gì bất thường nên tôi rất yên tâm. Chỉ đến tối 3 - 7 vừa qua, sau khi đi họp chi bộ tại khu dân cư về, chồng tôi mới tá hỏa thông báo cho cả gia đình biết việc suốt mấy năm qua chúng tôi phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Asen nặng. Ngay ngày hôm sau chồng tôi cho thay toàn bộ hệ thống lọc nước cao cấp hơn. Nhưng tôi luôn nơm nớp tự hỏi: Liệu các con tôi có bị ảnh hưởng về sức khỏe bởi trong suốt một thời gian dài phải dùng nước "bẩn" như vậy không?
Trước những bức xúc của người dân, từ ngày 27-30/6 Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội với tổng số mẫu là 196 mẫu (Trong đó 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình). Kết quả cho thấy rất nhiều mẫu nước được kiểm nghiệm không đạt các chỉ tiêu chất lượng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước vấn nạn nước sạch ở Hà Nội, dư luận đang đặt câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai? Công văn Về việc đảm bảo an toàn chất lượng đối với nước sinh hoạt ở các hung cư của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây nêu rõ:“Nếu phát hiện có vi phạm cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và có giải pháp tổng thể để cung cấp nước sạch ổn định, an toàn vệ sinh, bảo đảm sức khỏe của người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”.
Công văn số 4870, tháng 7/2014, truyền đạt
ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đảm bảo chất lượng nước sạch
tại các khu chung cư nêu rõ: “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Xây dựng chủ trì,
phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan
kiểm tra và khẩn trương khắc phục; nếu phát hiện có vi phạm cần làm rõ trách
nhiệm của các bên liên quan và có giải pháp tổng thể để cung cấp nước sạch ổn định,
an toàn vệ sinh, bảo đảm sức khỏe của người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết
quả thực hiện.”
Người dân Hà Nội hy vọng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ là phát pháo hiệu đầu tiên để các cơ quan chức năng trung ương và thủ đô xắn tay vào tìm ra các giải pháp tổng thể để giải quyết dứt diểm tình trạng người dân thủ đô phải mất tiền mua nước bẩn như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, người dân cũng không chỉ hy vọng có được một nguồn nước sạch, chất lượng mà còn mong muốn có nguồn cấp nước ổn định, tránh tình trạng "phập phù lúc có lúc không" như từng diễn ra trong thời gian vừa qua.
Kết quả xét nghiệm tại 16 nhà máy nước và 07 trạm cấp nước ở Hà Nội đánh giá 107 chỉ tiêu (theo QCVN 01/2009) có 05/107 chỉ tiêu không đạt: Chỉ tiêu Asen có 1/20 cơ sở cấp nước là trạm cấp nước Mỹ Đình II có nồng độ cao hơn 1,82 lần ngưỡng cho phép (xét nghiệm thực tế 0,0182 mg/L); Chỉ tiêu Clo dư 20/20 cơ sở cấp nước có nồng độ cao hơn ngưỡng cho phép và 150/155 mẫu lấy tại hộ gia đình thấp hơn ngưỡng cho phép (mức dao động từ 0.02- 1,33 mg/L); Chỉ tiêu Amoni (từ 0,02- 7,89 mg/L) có 7/20 cơ sở cấp nước và 15/155 mẫu tại hộ gia đình và pecmanganat (2,56- 9,60 mg/L) có 12/20 mẫu tại cơ sở cấp nước và 40/155 mẫu tại hộ gia đình. Hai chỉ tiêu không đạt này chủ yếu ở khu vực Quận Hoàng Mai; Mangan (0,361 mg/L) có 1/20 cơ sở cấp nước cao hơn nồng độ cho phép, tại nhà máy nước Sơn Tây, cơ sở 1. |
Bình luận của bạn