Kiến ba khoang vào mùa: Phủi chứ đừng giết

Kiến ba khoang có dịch độc gấp 15 lần so với rắn hổ mang (Ảnh: contrungvietnam.com.vn)

Hà Nội: Khốn khổ vì bị kiến ba khoang "tấn công"

Hà Nội: Dân chung cư trắng đêm 'săn' kiến ba khoang

Kiến ba khoang 'tấn công' hàng loạt chung cư: 'Ngứa mà không dám gãi'

Theo phản ánh của người dân ở một số vùng dân cư, thời gian gần đây, kiến ba khoang xuất hiện khá nhiều tại các khu chung cư, đốt và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là vào buổi tối, đêm. 

Không ít người, cả người lớn và trẻ nhỏ chịu nhiều ảnh hưởng sau khi bị kiến ba khoang đốt. 

Chia sẻ với phóng viên, Như Quỳnh (Phường Cống Vị, Ba Đình) cho biết: "Đang ngủ, thấy có tiếng vo ve khó chịu nên huơ huơ tay đập. Kết quả là acid từ kiến ba khoang bị vỡ, bắn vào mặt khiến mắt tôi sưng húp và tiết nhiều dịch nhầy. Bác sỹ cho biết, tôi bị phù bỏng mí mắt, viêm kết mạc. Dù đã uống thuốc nhưng càng ngày càng thấy đau, mắt sưng mọng nước. Nếu không lấy giấy thấm thì mắt sẽ keo dính lại, không nhìn thấy gì nữa".

Một bệnh nhân bị bỏng vùng mắt do bị dịch acid kiến ba khoang bắn vào (Ảnh: Dân trí)

Khảo sát tại một số hiệu thuốc trong khu Mễ Trì, Mỹ Đình cho thấy, không ít người dân đã tìm mua thuốc trị vết đốt, vết căn từ kiến ba khoang. Theo các dược sỹ tại các hiệu thuốc, không ít người tưởng nhầm mình bị zona thần kinh. Cũng không ít trường hợp giống như chị Như Quỳnh, bị dịch acid từ kiến ba khoang bắn vào mắt, mắt sưng húp, chảy dịch mới tá hỏa đi khám, đi mua thuốc về điều trị.

Các chuyên gia y tế thì lý giải rằng, gần mùa gặt, kiến ba khoang bị mất môi trường sống và mất thức ăn, nên thường xâm nhập vào các khu dân cư. Buổi tối, kiến ba khoang bị hấp dẫn bởi đèn điện nên thường bay vào trong nhà. Nên, đừng có "dại" mà "chạm tay" vào những con vật này.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng, kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Trong khi đó, đặc điểm của loài côn trùng này là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng. Ngoài ra, có thể dùng lưới chống muỗi để ngăn kiến ba khoang bay vào nhà. Trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường, buông màn. Còn không may bị đốt, cần rửa thật sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt…

Không nên đập, giết kiến ba khoang bằng tay để tránh tổn thương do bỏng

Cũng theo các chuyên gia y tế, tổn thương bỏng do kiến ba khoang có thể tự khỏi. Những trường hợp cần đến cơ sở y tế chuyên khoa bỏng để xử trí khi:
- Vùng da bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ và các vùng liên quan đến yếu tố thẩm mỹ, đặc biệt là vùng mắt.
- Vùng da phần bộ phận sinh dục ngoài.
- Diện tích da bỏng trên 5% diện tích da, tương ứng với vùng da rộng bằng 5 lần lòng bàn tay của nạn nhân. Với trẻ nhỏ là 1%.
- Bạn thấy khó chịu vì ngứa rát
- Với trẻ nhỏ là trẻ bỏ bú bỏ ăn, quấy khóc.

Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa gặt và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, kiến ba khoang bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.
Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn