Khổ vì bệnh tay chân lạnh

"Tối đi ngủ, chỉ cần lấy tay sờ vào lưng chồng là anh xã hét ầm lên vì giá như băng. Các loại váy ngủ gợi cảm, thướt tha phải cho đi hết, thay vào là quần dài, áo dài, chân đi tất dày... trông như một bà đẻ", chị Hà kể.

Chị Hà cho biết chị bị chứng tay chân lạnh từ thời con gái tới giờ, khi đã có hai con. Mùa hè thì tay chân mát mát, nhưng cứ đến mùa đông là lạnh buốt. Nghe lời mách, một thời gian, tối tối chị đun nước gừng để ngâm chân tay, nhưng tứ chi chỉ ấm lên một lúc rồi đâu lại hoàn đó.

Cũng gặp tình trạng tương tự, chị Mỹ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vào mùa đông, chị sợ nhất là phải đánh máy vi tính, vì chỉ cần ngồi 1-2 tiếng là 10 đầu ngón tay như đông thành đá, dù chị đã đi găng tay len. Những hôm trời se se lạnh, chị đã phải lôi tất dày ra đi vì đầu ngón chân giá buốt.

"Tối chui vào chăn ấm mà mãi không ngủ được vì hai chân lạnh giá. Ban ngày đến chỗ làm thì giấu cái máy sấy điện dưới gầm bàn, thế nhưng hơ cái ống quần nóng ran lên mà hai chân vẫn lạnh cóng", chị Mỹ kể. Chị cho biết sau khi sinh bé đầu xong, chị bắt đầu bị hiện tượng này.

feetandlegs-8514-1385004060.jpg
Ảnh minh họa: Handbag.com.

Thạc sĩ - lương y Vũ Quốc Trung cho biết, tay chân lạnh là một chứng bệnh gặp ở nhiều người, chủ yếu là phụ nữ. Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng thường gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu và tạo không ít bất tiện trong sinh hoạt, cuộc sống cho người mắc.

Theo ông Trung, trong y học cổ truyền, cơ thể con người gồm hai phần: âm và dương. Nếu mất cân bằng giữa hai phần này có thể gây ra bệnh. Khi âm hư sinh nội nhiệt, dương hư sinh ngoại hàn. Những người bị tay chân lạnh thường do phần dương bị suy yếu. Ngoài biểu hiện tay chân buốt giá, người mắc chứng này thường có sắc mặt nhợt nhạt, mạch trầm trì, đại tiện phân nhão, sợ lạnh. Họ cũng thường thở đoản hơi, dễ mệt mỏi.

Phần lớn người mắc thuộc nhóm tuổi trung niên hoặc già, phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống sinh hoạt. Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới. Những người làm việc trong điều kiện hay phải ngâm tay chân trong nước hoặc ở môi trường lạnh cũng dễ mắc chứng chân tay lạnh hơn vì nhiễm âm khí nhiều hơn khiến dương suy, ngoại hàn.

Trong y học hiện đại, chứng này tương ứng với tình trạng thiếu dưỡng khí (do quá trình oxy hóa trong cơ thể bị cản trở).

Theo thạc sĩ Vũ Quốc Trung, tình trạng chân tay lạnh có thể cải thiện bằng các biện pháp điều trị bổ dương khí qua đường ăn uống, dùng thuốc. Khi dương khí điều hòa tay chân sẽ hết lạnh. Đông y có nhiều bài thuốc tăng dương khí, bổ thận cho tác dụng rất tốt khi chữa chứng tay chân lạnh.

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ăn các thức cay nóng, tăng cường những loại thực phẩm nhiều dương tính, nhiều chất đạm như thịt bò, thịt dê, thịt chó, nên hạn chế ăn các thứ mát, lạnh. Việc ngâm chân bằng nước ấm cùng các loại thảo dược giúp khí huyết lưu thông cũng có tác dụng tốt, nhưng cần kiên trì.

Các sản phụ mới sinh cũng dễ gặp tình trạng tay chân lạnh vì thiếu sắt, nên để phòng bệnh, sản phụ, bà mẹ cho con bú có thể bổ sung thêm sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày qua các thức ăn như lòng đỏ trứng, gan lợn, thận bò, đậu nành, hạt vừng, đậu khô, mộc nhĩ...

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin