Nỗi buồn của những người thầy thuốc


Trước mỗi vụ tiêu cực, cũng vẫn cần có đánh giá công bằng với cả ngành y

Đừng quy kết cho số đông!

Vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gây chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường rồi vứt xác xuống sông Hồng phi tang đang khiến dư luận những ngày qua vô cùng phẫn nộ. Ngay cả một người đã gắn bó gần trọn đời với ngành y như GS.TS Đỗ Kim Sơn, Ban Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương - nguyên Chủ tịch Hội ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Việt Đức - cũng hết sức đau lòng, bất bình khi nghe được thông tin này. Ông mạnh mẽ lên án hành động của Nguyễn Mạnh Tường và cho rằng bác sĩ này không xứng đáng đứng trong đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam.

Theo ông, đã chấp nhận bước chân vào nghề y, chọn con đường làm thầy thuốc thì phải có một tấm lòng nhân hậu, một lương tâm trong sáng, hết lòng phục vụ người bệnh. Ngoài ra cần phải có thêm bản lĩnh vững vàng và đức tính hy sinh, bởi nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng rất khắc nghiệt, nhiều rủi ro. "Giá trị của một người thầy thuốc không đo bằng các tấm huy chương, danh hiệu mà chính là niềm tin của bệnh nhân. Đáng tiếc, trong thời buổi hiện nay, một số bác sĩ quá mải mê chạy theo tiếng gọi của kim tiền mà đánh mất lương y", GS Đỗ Kim Sơn bộc bạch.

Cũng trong dòng tâm sự của mình, vị giáo sư chia sẻ: "những vụ việc nói trên chỉ là các trường hợp riêng biệt. Không phủ nhận trách nhiệm, chính xác là lỗi quản lý của ngành y khi để xảy ra nhiều vụ tiêu cực như vậy, song cần có một cái nhìn công bằng với những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y trong những năm qua để đạt được bước tiến vượt bậc về trình độ khoa học kỹ thuật như ngày nay".

Cần phân biệt rõ y đức với rủi ro

Một Đại tá, bác sĩ cấp trưởng khoa của BV Trung ương Quân đội 108 (đề nghị giấu tên) chia sẻ, bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều có đạo đức nghề nghiệp. Với nghề y, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi cao hơn, trách nhiệm lớn hơn bởi đây là nghề trực tiếp tác động đến sức khỏe nhân dân. Cũng cần phải phân biệt rạch ròi trường hợp tử vong nào là do y đức, trường hợp nào là rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. So với các ngành nghề khác, số vụ tiêu cực, số vụ chết người do tai nạn nghề nghiệp của bác sĩ chưa hẳn đã nhiều, thậm chí chỉ chiếm số ít nhưng đây lại là lĩnh vực rất nhạy cảm và được nhân dân hết sức quan tâm. Một BV mỗi năm cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch, một bác sĩ thức trắng nhiều đêm liền để cấp cứu bệnh nhân, thế nhưng chỉ cần xảy ra một vụ chết người là dư luận, xã hội mạnh mẽ lên án…

Cùng quan điểm này, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội chia sẻ, hành động của bác sĩ gây chết người rồi vứt xác phi tang là đáng lên án, không thể chấp nhận được. Song cũng đừng vì thế mà đánh giá ngành y bằng cái nhìn miệt thị. Lương y này nói: "Nhiều trường hợp gây chết người trong ngành y chỉ là tai nạn nghề nghiệp, rủi ro. Nếu sau mỗi vụ việc như vậy mà cả xã hội lên án, vùi dập bác sĩ thì thử hỏi có ai còn dám dấn thân vào ngành y nữa". Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, ngay cả vụ bác sĩ vứt xác phi tang, nên nhìn nhận rằng không phải bác sĩ cố ý giết người mà chỉ nên xem xét hành động của anh ta sau khi gây chết người.

Cái gốc của lỗi

Vậy tại sao các vụ tiêu cực, bác sĩ gây chết người lại ngày càng nhiều, dư luận ngày càng bức xúc với ngành y? Liệu y đức có đang xuống cấp? Vị bác sĩ cấp Trưởng khoa của BV Quân đội 108 phân tích: "Điều này đương nhiên có lỗi quản lý của ngành y tế. Tuy nhiên nó còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác, từ việc đào tạo sinh viên ngành y, việc giáo dục y đức, việc cấp phép và quản lý hành nghề y, ứng xử của nhà quản lý y tế sau mỗi vụ việc. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng của các BV yếu kém, đầu tư cho y tế hạn chế…". "Điểm thi vào các trường Đại học Y vẫn cao chót vót song nhận thức và tâm lý của các sinh viên thi vào Đại học Y ra sao, chắc chắn có nhiều người thi vào chỉ vì suy nghĩ ngành này kiếm được nhiều tiền chứ không phải vì tâm huyết".

Ths. Bs Bùi Bạch Dương, nguyên Phó khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - BV Việt Nam -Cu Ba, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - BV Bưu điện thẳng thắn chỉ ra, tiêu cực gia tăng trong ngành y là do lỗi hệ thống, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay với ngành y để khắc phục. Bác sĩ Dương cũng cho rằng, dư luận đang có cái nhìn chưa thật khách quan, nghiêng về mặt trái trong ngành y nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta cũng cần có những hành lang pháp lý để bảo vệ bác sĩ.

Tối 24/10, CATP Hà Nội cùng đội thợ lặn chuyên nghiệp được BV Bạch Mai thuê đã tích cực tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền ở sông Hồng đoạn dưới chân cầu Thanh Trì.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin