Virus sởi gây suy hô hấp ở trẻ

Diến biến bệnh bất thường

Tuần qua, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận 2 ca sởi nhập viện với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, trong đó 1 trẻ đã tử vong. Trường hợp còn lại vẫn đang được thở máy trong tình trạng có viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), điều đáng ngại là cả hai ca bệnh này đều bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển rất nhanh, khác hoàn toàn với diễn biến sởi thông thường. Quan điểm này cũng được PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) đồng tình trong cuộc hội chẩn với khoa Nhi (BV Bạch Mai) trước hiện tượng xuất hiện 2 ca viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển nhanh phải nhập viện.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng và PGS.TS Bùi Vũ Huy cùng hội chẩn
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng và PGS.TS Bùi Vũ Huy cùng hội chẩn đánh giá lại diễn biến ca bệnh. Ảnh: H.Hải

“Bình thường, biến chứng viêm phổi xảy ra do virus sởi gây suy giảm miễn dịch khiến trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn. Còn hai bệnh nhân này, diễn biến viêm phổi rất nhanh. Tại thời điểm nhập viện bệnh nhân sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp rồi nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi. Chỉ sau vài giờ đồng hồ phổi đã trắng xóa, tim to, gan to… là những biểu hiện rất điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tính tiến triển. Dù được đặt máy thở nhưng trẻ hầu như không có đáp ứng. Một trẻ đã tử vong hôm 15/2, trẻ còn lại hiện vẫn đang trong tình trạng phải thở máy”, PGS Dũng cho biết.

“Với những ca bệnh này chúng tôi đang nghĩ đến có khả năng virus sởi tấn công ngay vào phổi chứ không phải bị viêm phổi vì bội nhiễm vi khuẩn như thông thường”, PGS Dũng lo ngại.

Cùng quan điểm này PGS.TS Bùi Vũ Huy đánh giá, dựa vào diễn biến lâm sàng, hình ảnh X-quang tim phổi cho thấy bệnh nhi bị viêm phổi do virus. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy không phát hiện vi khuẩn gây bệnh. Viêm phổi do virus tiến triển cực nhanh, khác với viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn.

Nguy kịch tính mạng vì sợ tiêm phòng

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, đến nay trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Riêng tại Hà Nội, thống kê cũng cho thấy, 100% trẻ mắc sởi trong đợt này đều chưa tiêm vaccine phòng sởi.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, nguy cơ mắc sởi do chưa tiêm phòng không chỉ là lời cảnh báo mà đã là hiện hữu khi trường hợp bệnh nhi vừa tử vong sau hơn một ngày điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã 11 tháng tuổi nhưng chưa tiêm phòng sởi “Nếu được tiêm phòng đúng tuổi khuyến cáo (9 tháng), cháu đã không mắc sởi. Không phải riêng bệnh nhi này, mà rất nhiều bệnh nhi tôi tiếp xúc, các cháu đều chưa được tiêm phòng sởi đúng lịch do gia đình chủ quan, rồi sợ những tai biến vaccine gây ra”, TS Huy nói.

Sởi tuy lành tính, nhưng biến chứng của sởi gây ra cũng rất nguy hiểm, đặc biệt trên những cơ địa yếu, trẻ suy dinh dưỡng, đẻ non, mắc bệnh lý kèm theo. Trong khi đó, thời điểm này, dịch sởi lại đang diễn biến bất thường với một số ca bệnh bị viêm phổi nhanh chóng do virus sởi. Ngay tại khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới TƯ, từ đầu tháng 2/2014 đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân tới khám và nhập viện điều trị sởi, hầu hết là trẻ dưới 1 tuổi, trong số này có những nhiều bệnh nhân biến chứng viêm phổi rất nặng. Tại thời điểm này, BV Nhi Trung ương đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhân mắc sởi, trong số này có nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Đã có 5 trẻ tử vong do biến chứng của bệnh sởi.

“Dù dịch sởi đang xảy ra tại phía Nam Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam nhưng quan trọng nhất, chúng ta phải nhìn vào chính mình, dịch đang xảy ra do các bà mẹ chủ quan không cho con tiêm phòng. Dù mạng lưới tiêm chủng hoạt động tốt cũng chỉ đảm bảo 90%, 10% còn lại là những đối tượng lúc nào cũng có nguy cơ mắc sởi. Con số này tích tụ lại, hình thành một “lỗ hổng miễn dịch” khiến số người không có miễn dịch trong cộng đồng lớn, càng có nguy cơ mắc sởi”, TS Huy nói.

Cũng theo TS Huy, hiện tượng trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi không có gì là bất thường. Vì nguyên tắc, nếu một đứa trẻ sinh ra từ người mẹ có miễn dịch sởi thì đứa trẻ sẽ được truyền miễn dịch qua nhau thai và qua sữa mẹ. Nếu những người mẹ đã có miễn dịch nhưng không cho con bú, trẻ cũng không được truyền đầy đủ miễn dịch từ mẹ. Đó cũng là lý do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bà mẹ cho con bú đến 24 tháng tuổi, tuy lượng sữa ít nhưng miễn dịch từ mẹ vẫn được truyền qua sữa cho trẻ. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ mẹ chưa có miễn dịch với sởi (chưa từng bị sởi, chưa được tiêm vaccine sởi) thì cũng không có miễn dịch này.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, trước đây, các ca sởi xảy ra tại khu vực phía nam đều do chủng virus sởi H1 gây ra. Tuy nhiên trong đợt dịch này đã phát hiện chủng virus gây bệnh chủ yếu là D8. Đây là chủng virus sởi mới lần đầu tiên xuất hiện tại phía nam nhưng lại từng được phân lập nhiều tại Trung Quốc, Nhật, Malaysia.... Hiện đã có 19 tỉnh phía Nam xác định có ca bệnh, ổ dịch sởi. Số ca mắc đang tăng nhanh trong đó xảy ra chủ yếu ở TP HCM. Đáng lưu ý là trong đợt dịch sởi này có tới 43% trẻ mắc dưới 18 tháng, đặc biệt là có 13% dưới 9 tháng.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin