Món khai vị “nổi da gà”
Thành, dân buôn quần áo Thái Lan một thời ở quận 4 í ới gọi chúng tôi lên trang trại của anh ở miệt rừng Bù Đăng (Bình Phước). Những ché rượu cần hạ thổ cả năm đã bày sẵn, Thành bảo: “Hôm nay em đãi các anh món đặc sản đồng rừng” rồi gọi cậu đầu bếp Điểu Phi - người Stieng trạc 30 tuổi, vấn khố, cởi trần: “Em làm món đặc biệt đãi khách quý nghen”. Khoảng 30 phút sau, Điểu Phi mang ra một đĩa “đầu rắn rang me”. Thành vít cần rượu, gắp một chiếc đầu rắn: “3 tháng trời Điểu Phi vào rừng bắt mới được gần 20 con Lục xà vương và Hổ ngựa. Số còn lại là rắn hổ mang, rắn ráo em nuôi trong trại… Có khách quý, em mới mang ra đãi”.
Điểu Phi đặt thêm lên mâm 1 chiếc bát đỏ lòm huyết rắn, bên trong lũng bũng chừng hơn chục quả tim rắn vẫn phập phồng. Xúc từng quả tim bé tý vào ly, Thành lấy chai Vodka vỏ sành nhập khẩu từ Đan Mạch, đổ bát huyết vào, lắc đều. “Mỗi anh em làm 1 chén. Zhô…”. Dường như đã quen với món này, Bình cận - một đại gia cao su ở Đồng Nai bỏ miệng ngon lành rồi động viên: “Đừng sợ. Đặc sản đấy, ăn ngon, giòn, lại bổ thận, bổ cả khoản kia, gân cốt mạnh lắm, anh ạ”. Rờn rợn với các loại đầu, máu của động vật bò sát, song để giữ thể diện là người biết chơi... cái thú chơi của giới nhà giàu, chúng tôi cũng nhấp môi, cầm đũa… thưởng thức.
Sau món khai vị nổi… da gà, dưới ánh trăng bàng bạc, anh đầu bếp bê lên nồi lẩu tỏa nhiều mùi thuốc và lá rừng. “Đây là lẩu hà nàm, người Bắc gọi là bào thai - là thứ thần dược cường dương. Đêm nay các bác không “chết”, em đền mỗi bác 1 tháng tiền bán mủ cao su…”. Một rổ trứng màu xanh lam nhạt, nhỏ hơn trứng bồ câu nhưng giá tới 400.000 đồng mỗi quả. Thành dùng cạnh dao ăn gõ nhẹ, một con rắn nhỏ như giun đất ngo ngoe, Thành nhúng vào nồi nước dùng, bỏ vào miệng ngon lành. Thành bảo, hà nàm rắn không phải lúc nào cũng có, 1 năm chỉ có 1-2 lần. Đây là phương thuốc bí truyền đem lại sức khỏe gấp nhiều lần, đặc biệt nếu muốn tráng kiện và dẻo dai, hà nàm rắn phải được hấp với rượu gạo, mới có tác dụng triệt để.
Chẳng biết mấy món ăn kinh dị ấy “oách” thế nào mà đám đại gia mới nổi cứ nhảy tưng tưng, hò hét loạn trong rừng cao su. Chúng tôi thì nhìn nhau, chỉ dám ăn mấy miếng rắn nướng muối ớt, bát cháo đỗ xanh rồi chuồn về nhà Sáu Nhể - một đại gia của giới làm hạt điều Bình Phước. Sáu Nhể không chỉ nổi tiếng trong thu mua xuất khẩu điều, anh ta cũng là một tay chơi thứ thiệt của mạn miền rừng này. Tiếp chúng tôi trong căn biệt thự vườn, trên bộ tràng kỷ bằng gỗ hương nguyên tấm, Sáu Nhể chỉ các loại rượu ngâm tay gấu, bào thai khỉ, bào thai hổ được đánh từ mạn cửa khẩu Campuchia về; những thố rượu ba kích, lim xanh, linh chi, xáo tam phân... đã lên màu: “Mấy thứ rượu kia, tôi đã chán lắm rồi. Cái thứ động vật nhiều chất béo, lên nhanh nhưng xuống thì không kịp… đỡ. Các anh về, có món này hay hơn – ngẩu pín hổ và sơn dương núi”. Mang ra 2 bình rượu, 3 chén hạt mít lộc, Sáu Nhể cẩn thận rót… Một mùi hôi, hăng xộc vào, ngai ngái rất khó uống… Sáu Nhể nheo nheo cặp mắt hiếng, thì thào: “Bà xã cũng mê tít ấy chứ lị. Hàng quý hiếm đấy, các ông ạ!”. Quả thực, nhìn vào bộ sưu tầm và hầm rượu của Sáu Nhể, choáng…
Tiềm ẩn những mầm họa
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình dân TP.HCM nhận định: Nhiều năm trước, TP.HCM cũng rộ trào lưu ngâm rượu sâu chít, bổ củi, bìm bịp; ăn cả các loài côn trùng, ấu trùng như: ngài tằm đực, ấu trùng của bọ hung, bọ xít, sá sùng… Những người giàu có hơn thì kiếm hải sâm, tu hài, rồng cường dương, trứng yến lộn... Có thời điểm còn đua nhau tìm trứng ung để ăn, thậm chí còn đồn là khí H2S trong trứng ung có tác dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào, khuyến khích cơ thể sản xuất men điều chỉnh tuổi thọ, chống lão hóa, kích thích các tế bào thần kinh, tăng cường “sức mạnh đàn ông”… Nhưng việc săn tìm những món ăn kỳ quái thể hiện bản lĩnh trong chốn phòng the cũng đồng nghĩa với việc, chính họ đang ăn vào những thứ rất nguy hiểm hủy hoại bản thân. Rất nhiều bệnh nhân đến khám cho biết, vì là chuyện tế nhị nên đa số các ông chồng cứ dấm dúi đi tìm các phương thuốc “thần dược” mà chẳng cần kiểm chứng khoa học, cứ nghe món này hay là thử. Tuy nhiên, sau khi dùng xong mấy thứ thuốc ấy, nhu cầu sinh lý chưa thấy tăng, các bộ phận khác… đã yếu.
Lương y Nguyễn Văn Lai - Chủ tịch hội Đông y dược cổ truyền quận 12, TP.HCM cho biết: Những quý ông cứ nghĩ ăn gì bổ nấy để tăng cường sinh lực và mạnh trong “chuyện ấy”, thật ra họ đã nhầm lẫn. Những thú ăn chơi kỳ quái như vậy chỉ hại đến thân. Cũng theo lương y Nguyễn Văn Lai, các cụ đã dạy “cái miệng hại cái thân”. Có thể những món ăn, những chén rượu làm cho ta cảm thấy chếnh choáng, trong người hưng phấn như có sắc xuân, khiến đàn ông có cảm giác phong độ, mãnh liệt hơn nhưng những đồ ăn tươi sống, những thứ rượu ngâm động vật sống có quá nhiều vi khuẩn, luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Bình luận của bạn