TS. Sam Parnia từ Viện Chăm sóc sức khỏe New York tại Stony Brook cho biết, theo quan niệm trước đây, khi tim một người ngừng đập và họ ngừng thở có nghĩa họ đã chết và chúng ta chẳng còn có thể làm gì để thay đổi điều này. Nhưng ngày nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cái chết không chỉ xảy ra trong một vài giây mà nó cần cả một quá trình. Tim ngừng đập, quá trình chết đi mới chỉ bắt đầu. Tổn thương não do thiếu ôxy sẽ xảy ra trong giai đoạn này. Chỉ trong vài giây, hoạt động của não sẽ bị ảnh hưởng nhưng không phải chỉ sau vài phút tiếp theo các tế bào sẽ ngừng hoạt động luôn. Và vì quá trình này có thể kéo dài đến vài tiếng đồng hồ nên chúng ta hoàn toàn có thể lật ngược tình thế. Các chuyên gia cho biết, chìa khóa thành công của các ca chết đi sống lại bên cạnh sự chăm sóc tích cực của các bác sĩ còn có thân nhiệt của người bệnh. Thân nhiệt lý tưởng là khi nhiệt độ cơ thể mới chỉ giảm một vài độ so với nhiệt độ bình thường là 37oC.
Cấp cứu kịp thời có thể đem lại sự sống cho người bệnh
Kỹ thuật kéo dài sự sống
Ý tưởng về việc làm giảm thân nhiệt sau khi tim ngừng đập đã có từ một vài thập kỷ trước, nhưng các nhà khoa học lúc ấy không dám chắc rằng đây là kỹ thuật có lợi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nghiên cứu đã đưa ra các bằng chứng rằng, hạ thân nhiệt giúp tăng khả năng bệnh nhân phục hồi. Những tổ chức như Hiệp hội
Tim mạch Mỹ cũng đã cân nhắc kỹ thuật này. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh viện đều có thể thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt như một phần của biện pháp hồi sinh bệnh nhân sau khi tim ngừng đập. Các nhà khoa học cho biết, hạ thân nhiệt và giảm lượng ôxy sau khi tim đã đập trở lại là những nhân tố có thể làm gia tăng cơ hội sống của bệnh nhân mà không làm tổn hại đến não.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thân nhiệt giảm để bảo vệ não bằng cách giảm nhu cầu cung cấp ôxy xuống và ngăn chặn các tế bào ngừng hoạt động. Tuy nhiên vẫn có những hạn chế nhất định, mặc dù kỹ thuật làm giảm nhiệt độ cơ thể đã giúp nhiều bệnh nhân phục hồi, đôi khi những tổn thương do thân nhiệt giảm gây ra quá lớn dẫn đến việc giúp bệnh nhân hồi sinh là không thể. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng biết rằng, một ca hồi sinh thành công phụ thuộc vào cách bệnh nhân được chữa trị sau khi tim đập trở lại và cách cơ thể ấm lên sau khi bị hạ nhiệt. TS. Becker, một trong những nhà nghiên cứu cho biết, những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn ngược lại với những gì đã quan niệm bởi ai cũng biết rằng nếu lượng ôxy của một người giảm, chúng ta phải cung cấp thêm ôxy. Nếu áp suất máu giảm, cần tăng áp suất máu lên.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu một bệnh nhân phản ứng với các biện pháp chữa trị ngay từ ban đầu và tim của anh ta đập trở lại, việc thêm quá nhiều máu hay ôxy vào não thực chất lại làm tình hình xấu đi. Thay vào đó, việc điều tiết lượng ôxy phù hợp được đưa lên não là cần thiết hơn cho việc phục hồi.
Việc kéo dài sự sống nhân tạo đối với những bệnh nhân đã tổn thương não đang khiến nhiều người băn khoăn: Có thực sự tốt cho người bệnh?
Vấn đề đạo đức với quan niệm mới về cái chết
Quan niệm thông thường của nghề y là không làm hồi sinh một bệnh nhân đã phải trải qua những tổn thương não nghiêm trọng và chỉ có thể sống lại trong tình trạng hôn mê. Những nỗ lực để khiến một người sống lại sau khi tim ngừng đập có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn cho não. Điều này đã khiến nhiều người đưa ra câu hỏi về vấn đề đạo đức ngành y khi đưa kỹ thuật này vào thực tế. Tuy nhiên, theo TS. Mayer, kiến thức của chúng ta về sự tổn thương của não và việc chết đi vẫn chưa hoàn thiện và cũng không ai rõ mức độ chịu được tổn thương của một người đến đâu. Khi chúng ta đưa ra kết luận quá sớm mà không nghiên cứu kỹ, rất có thể chúng ta đang cướp đi cơ hội được sống của nhiều người. Kéo dài sự sống một cách nhân tạo có thể không phù hợp với mọi tình huống nhưng y đức của các bác sĩ chẳng phải nên làm mọi thứ để cứu sống một người hay sao?
thuychi
Bình luận của bạn