Làm gì khi trẻ biếng ăn?

 

Ảnh minh họa


Có khoảng 50% trẻ đi khám vì biếng ăn

 

Theo các chuyên gia nhi khoa, không có công thức nào đúng với tất cả các trẻ. Chỉ khi tìm được đúng nguyên nhân, phụ huynh mới có thể khắc phục thành công chứng biếng ăn của con.

Trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện: ăn rất ít, chỉ thích một vài loại thực phẩm nhất định, mỗi bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút, ngậm thức ăn, quấy nhiễu trong giờ ăn hay thậm chí là kêu khóc. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Xác định đúng lý do khiến con biếng ăn rất quan trọng nhất, bởi từ đó, cha mẹ mới có thể "chế ngự" thành công.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam: “Tỷ lệ bà mẹ mang con đến khám vì lý do biếng ăn ở mức rất cao, chiếm khoảng 45,9 – 57,7%. Tuy nhiên, bên cạnh biếng ăn bẩm sinh, biếng ăn sinh lý cũng có nhiều trẻ biếng ăn do quan niệm sai lầm của cha mẹ về thực hành dinh dưỡng”.

Một khảo sát trên hơn 3.000 bà mẹ của Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy: 70% các bà mẹ phạm sai lầm trong việc cho con ăn mà không biết. Điều này đã phần nào lý giải vì sao số lượng trẻ biếng ăn ở nước ta vẫn ở mức cao dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ cao. Trong khi đó, căn cứ trên số liệu điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2009 – 2010 tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 50.000 trẻ từ 2 – 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn ở mức 19,62%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 29,05%.


Khắc phục bằng cách nào?

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ như:

Trẻ bị nhiễm trùng: Khi virus hay vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây viêm nhiễm một số cơ quan nào đó như tai, mũi, họng, mắt, đường tiêu hóa… sẽ làm trẻ sốt, ho, mệt mỏi… và dẫn đến trẻ không muốn ăn hoặc ăn với số lượng ít. Với trường hợp nhiễm trùng cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Do trẻ gặp khó khăn trong quá trình nhai nuốt. Khi bị viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, áp xe lợi… sẽ làm cho trẻ đau, khó chịu và dẫn đến lười ăn. Với trường hợp này, ngoài điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt và chia thành những bữa nhỏ.

Loạn khuẩn đường ruột, rối loạn sự co bóp và tiết dịch dạ dày ruột… sẽ làm trẻ nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng… Chính vì hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường đã ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ. Để giúp cải thiện tình trạng của bé, song song với quá trình điều trị, mẹ cần cho bé ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa…

Do chế độ dinh dưỡng thiếu vi chất. Mặc dù cha mẹ đều biết cần đa dạng các loại thức ăn, cung cấp đủ đạm, bột, đường để giúp bé cảm thấy ngon miệng, ăn uống dễ dàng và đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc chế biến không đúng cách, chất lượng thực phẩm không đảm bảo… dẫn đến việc trẻ chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định hoặc ăn rất ít và dẫn đến thiếu dinh dưỡng.

Để khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ, theo bác sỹ Đinh Thị Thanh, Tổng đài Tư vấn sức khỏe cộng đồng: "Cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ để có biện pháp khắc phục hiệu quả. Trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần thường xuyên thay đổi món để trẻ không bị chán, bổ sung đầy đủ chất đạm, bột, béo, chất xơ. Các mẹ nên tập cho bé thói quen ăn đủ các loại thực phẩm từ khi còn bé để cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cơ thể. Mỗi ngày các mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm nhưng ăn với số lượng ít để tạo cho trẻ cảm giác thèm ăn và tạo hưng phấn trong bữa ăn. Ngoài ra, các mẹ có thể cho bé dùng thêm các loại thực phẩm chức năng để tăng cường hệ tiêu hóa của trẻ, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn".

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị