Empty
Empty

Khi đọc bài viết của Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý, người viết nhớ lại câu chuyện của một người bạn gần 20 năm trước.

Năm đó, cô ấy mới 26 tuổi, đi khám sức khỏe định kỳ theo cơ quan tại một bệnh viện tuyến cơ sở. Cô ấy bị đau dạ dày, đau nhiều nên đăng ký thêm nội soi dạ dày. Bác sĩ đọc kết quả cuối kỳ có nói, cô ấy bị viêm loét dạ dày tá tràng bờ cong nhỏ, nghi ngờ có khối u dạ dày, đề nghị làm thêm một loạt xét nghiệm. Cô ấy khá sốc. Ra khỏi phòng khám, cô ấy gọi điện cho người viết nói: Cô ấy muốn tìm một bác sĩ có thể giúp cô ấy kiểm tra dạ dày xem có phải ung thư không. Cô ấy có một số tiền là… có đủ để mổ và điều trị nếu bị ung thư không? Người viết đã giúp cô ấy liên hệ với bác sĩ, người đã chỉ định làm các xét nghiệm, tự tay nội soi, lấy mẫu sinh thiết và kiểm tra giúp cô ấy. Thật may, cô ấy không bị ung thư, chỉ là phải mổ để cắt khối u dạ dày. Ca mổ thành công, sức khỏe cô ấy trở lại như trước, có một gia đình hạnh phúc, những đứa con xinh xắn. Cho tới bây giờ, mỗi lần gặp lại, cô ấy đều nói, “May mà lúc đó tớ không hoảng loạn, nếu không, không biết thế nào.”

Câu chuyện của cô bạn người viết không hiếm, ở thời điểm hiện tại, cũng không ít người trẻ được “chẩn đoán” có khối u và cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để xác định chính xác. Phản ứng của họ, có người thì bình tĩnh nhưng thường là hoảng hốt, lo lắng bởi đây là lần đầu họ đối mặt với căn bệnh được xác định là “kẻ giết người” này. Theo TS.BS. Phạm Nguyên Quý, khi nhận được thông tin “ung thư”, người bệnh có 3 điều không nên.

Empty

Đây là điều cần lưu ý đầu tiên. Theo TS. Quý, khi nhận chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái lo lắng và bồn chồn, thậm chí là hoảng hốt. “Phải làm sao bây giờ? Bệnh này phải điều trị thế nào? Điều trị ở đâu? Có điều trị nhanh được không? Có khỏi được không?” Không chỉ bệnh nhân, người nhà của họ cũng sẽ rơi vào trạng thái hoảng hốt và lo lắng như vậy.

Và để được điều trị sớm, “nhiều người đưa ra quyết định điều trị khi chưa thu thập đầy đủ thông tin, và kết quả là họ có thể chữa sai cách hoặc tại những bệnh viện không đủ chuyên nghiệp.”, TS. Quý cho biết.

Cũng theo TS. Quý, trừ những trường hợp đến viện quá trễ, diễn tiến nặng và chuyển xấu nhanh, rất ít khi cần phải điều trị hoặc can thiệp ung thư khẩn cấp. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân có ít nhất vài tuần để chuẩn bị. Tùy vào loại và tình trạng ung thư, nếu không có triệu chứng và ung thư chưa lan rộng, thường không cần phải điều trị gấp gáp. Vì vậy, bệnh nhân và người thân không nên hoảng hốt, hãy thu thập thông tin cẩn thận về căn bệnh và dạng ung thư gặp phải để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp.

Empty

Khi nhận chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân khó có thể giữ bình tĩnh ngay cả khi không hề có triệu chứng. “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình cứ để mặc thế này? Mình có chết sớm không? Mình có chữa lành được không? Mình nên làm gì?” Họ bối rối tìm câu trả lời cho vấn đề của mình. Nhưng bởi quá lo lắng, quá bối rối, nên dễ đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.

“Bạn nên nhớ rằng, dù là ung thư di căn hay tái phát thì không có nghĩa là mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ ngay lập tức. Cũng không có nghĩa là bạn sẽ chết ngay ngày hôm sau.”, TS. Quý cho biết.

Để đối phó với tình trạng này, theo TS. Quý, người bệnh và người nhà “trước hết, hãy hít vài hơi thật sâu để bình tĩnh lại và cố nhớ lại nhịp sống thường ngày của mình. Có bình tĩnh lại, bạn mới có cách xử lý các thông tin cho phù hợp.”

Thực tế, nhiều người nhận được tin mắc ung thư thì coi đó là tin xấu “phá hủy hoàn toàn cuộc sống”. Nhưng thật ra không phải vậy. “Mắc ung thư không có nghĩa là ta không thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày. Bạn vẫn có thể làm được nhiều việc như trước đây như ăn những món ngon, nghe nhạc và tán gẫu. Bất cứ điều gì mà bạn có thể làm đều là có thể giúp bạn giữ bình tĩnh. Trước hết, hãy thử làm những việc bạn hay làm để tìm lại sự tự tin trong cuộc sống hằng ngày.”, TS. Quý chia sẻ.

Cũng theo TS. Quý, mới được chẩn đoán hoặc mới bắt đầu bước vào quá trình điều trị, người bệnh đừng nghe những lời như: “Phải dùng cái này, phải kiêng cái kia, phải làm như vậy”. Những lời “nói xàm” đó dễ gây hại hơn là có lợi cho người bệnh. Điều trị tại cơ sở y tế có chuyên môn là lựa chọn tối ưu nhất.

Empty

Đây là lời khuyên quan trọng nhất để sống chung với ung thư! Khi nhận chẩn đoán mắc ung thư hoặc tái phát ung thư, nhiều người sẽ rất tuyệt vọng. Có thể họ sẽ nghĩ rằng “Mình không còn cơ hội nào khác.” Tuy nhiên, dù tình hình thế nào, cũng không được bỏ cuộc. Chắc chắn vẫn có những điều bạn và người thân của bạn có thể làm. Như con đường nào cũng có lối ra, không bao giờ có chuyện không còn phương pháp nào. Luôn có phương pháp nào đó, ít nhất cũng giúp bạn dễ chịu hơn.

Bệnh nhân ung thư dễ bị tổn thương vì nhiều thứ, nhưng câu nói làm họ tổn thương nhất có lẽ là “Không còn phương pháp điều trị nào khác” mà bác sĩ đã nói với họ. Thật ra, điều này chỉ có nghĩa là bệnh của họ đã tiến triển thêm và việc điều trị tích cực (hay tấn công) tế bào ung thư trở nên khó khăn và vô ích. Khi ung thư tiến triển và thể trạng người bệnh yếu đi, việc tiếp tục điều trị tấn công bằng hóa trị có thể rút ngắn sự sống của bệnh nhân và làm người bệnh khổ thêm.

Nhưng, không điều trị không phải là hết hy vọng và không còn cơ hội. Trên thực tế, vẫn còn điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giúp bệnh nhân hạnh phúc hơn, hay ít nhất là đỡ khổ hơn, chứ không phải không còn điều trị gì.

Empty

Các nghiên cứu y học từ hàng chục năm trước đã cho thấy việc bắt đầu chăm sóc giảm nhẹ từ giai đoạn sớm có thể kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi kết hợp chăm sóc giảm nhẹ với hóa trị, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện, các triệu chứng trầm cảm giảm đi, và tránh được việc lạm dụng hóa trị.

Điều đáng ngạc nhiên là việc bắt đầu chăm sóc giảm nhẹ sớm cũng mang lại hiệu quả kéo dài tuổi thọ! Trước đây, chăm sóc giảm nhẹ được coi là liệu pháp tạm bợ đối phó, không có hiệu quả điều trị. Nhưng nghiên cứu này đã thay đổi quan niệm đó. Vì vậy, có thể nói rằng: “Ngay cả khi ung thư tiến triển, vẫn luôn có phương pháp điều trị.”

Để kết bài này, người viết kể tiếp một câu chuyện của một chị bạn – người đã từ biệt cuộc sống, phiêu du miền tiên cảnh được nhiều năm.

Năm đó, chị nhận được tin ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ nói hết phương điều trị, chị về nhà khóa cửa không gặp ai 2 ngày. Rồi chị xin nghỉ phép (lấy cớ vào viện điều trị), viết di chúc, bán xe, một mình mua vé xe đi xuyên việt. Chuyến hành trình của chị phải dừng lại ở Đà Lạt, chị mua vé máy bay về Hà Nội vào viện điều trị giảm nhẹ. Trước khi mất, chị trao lại cuốn nhật ký ghi lại những cảm xúc, chiêm nghiệm của chị trong chuyến chơi rong của mình. Những cảm xúc được ghi lại trong đó như minh chứng cho những gì chị nói, sống ở đời, được làm những việc mình thích là một cái thú. Đừng để bất cứ thứ gì, bệnh tật hay cảm xúc đau khổ, quấn lấy, khiến mình mất đi hứng thú với cuộc sống. Không được điều trị hay không điều trị được không quan trọng. Nếu cuộc đời cho chỉ cho chị đi một đoạn đường ngắn như vậy thì chị phải dành khoảng thời gian cuối cùng trên đoạn đường này, tận hưởng hết những gì chị đã từng mong muốn mà chưa có thời gian thực hiện. Như vậy là đủ rồi.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ