Luật BHYT: Thêm lợi cho cộng đồng

Đây là những điểm mới mà Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Tống Thị Song Hương cung cấp cho báo chí trong buổi họp thường kỳ của Bộ Y tế.

Bảo hiểm y tế bắt buộc

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương, điểm mới nhất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế năm nay là bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.


Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Tống Thị Song Hương khẳng định: Quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế sẽ đảm bảo thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện". Theo bà Hương, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Dự thảo luật mới cũng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng chưa quy định bắt buộc 100% thành viên phải tham gia nên tính tuân thủ chưa cao. Theo dự thảo luật mới, khi tham gia theo Hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Dự thảo Luật trình Quốc hội cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp xã lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện theo HGĐ. Quy định này sẽ giúp cho việc đăng ký, quản lý các nhóm đối tượng thống nhất, không bỏ sót và tránh được cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT và giao Chính phủ quy định lộ trình tham gia BHYT phù hợp với đặc thù của lực lượng này. Với đối tượng người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: Ngân sách nhà nước mua theo BHYT cho những người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bỏ một số điều luật chưa cập nhật thực tế

Với BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, Dự thảo luật mới sẽ kéo dài thời gian hưởng BHYT cho trẻ đến 31/8 hàng năm, 1 tháng sau khi trẻ chính thức đi học và đã mua thẻ BHYT tại các trường học. Cũng theo Dự thảo luật mới, trẻ cận thịt, tật khúc xạ của mắt nặng cần can thiệp, điều trị sẽ được
thanh toán BHYT.

Dự thảo Luật trình Quốc hội cũng Bãi bỏ Khoản 10. Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích và Khoản 12. Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này.

Trong các điểm mới của Dự thảo luật BHYT lần này, cộng đồng cũng quan tâm đến việc khám chữa bệnh bằng BHYT. Theo đó, Dự thảo luật bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của BHYT".

Về mức hưởng bảo hiểm y tế, nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng. Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định theo hướng: Nâng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí KCB, các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%; Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%; Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.


Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, các quy định mới của Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân

Tăng mức hưởng BHYT, giảm tải bệnh viện

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, song song với những đề án giảm tải của Bộ Y tế như tăng cường nhân lực cho cơ sở y tế tuyến cơ sở... phân tuyến BHYT và quy định mức hưởng BHYT mới sẽ giúp giảm tải tại những bệnh viện tuyến cuối.

Theo đó, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.

Bổ sung quy định thanh toán trong trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán như sau: 20% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương, 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi quyền lợi khi khám bệnh, chữa bệnh.

Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện đa khoa huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi không có bệnh viện đa khoa huyện; người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi không có bệnh viện đa khoa huyện được quyền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên cùng địa bàn huyện không coi là trái tuyến, vượt tuyến

Dự thảo Luật trình Quốc hội mới cũng bổ sung quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn