Mắc viêm gan B có thể sinh con không?

Mắc viêm gan B có nên mang thai và sinh con không?

Viêm gan B dễ lây nhiễm hơn HIV từ 50 đến 100 lần

Virus viêm gan B có gây xơ gan không?

Nhiễm HIV, viêm gan B vì... mốt xăm hình độc, lạ

Mẹ viêm gan B, con cần tiêm ngừa sớm

Bác sỹ cao cấp Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai:

Với viêm gan virus B ở thai phụ, cũng như với người bình thường, thường bệnh diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu gì đặc biệt. Chỉ đến khi có các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng, vàng sẫm, mắt vàng, sốt nhẹ... thì người bệnh mới đến viện và lúc này tình trạng viêm gan virus thường đã khá nặng, phải nhập viện điều trị.

Trong khi đó với phụ nữ viêm gan B, C nếu được phát hiện sớm sẽ được cảnh báo thận trọng khi có thai. Theo đó, người bệnh cần đến viện khám, xét nghiệm để bác sỹ xác định đã đến ngưỡng điều trị chưa. Và việc điều trị là nhằm hạ thấp nồng độ virus xuống ngưỡng thấp.

Khi đạt đến ngưỡng, bác sỹ sẽ cho tạm thời dừng điều trị và sau thời gian dừng thuốc 6 tháng bệnh nhân có thể mang thai. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sỹ để đến thời điểm thích hợp lại tiếp tục liệu trình điều trị nhằm khống chế thấp nồng độ virus.

Hơn nữa, việc tái khám thường xuyên, kiểm tra chức năng gan định kỳ cũng giúp bác sỹ kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng (suy gan không biết) sẽ nguy hiểm cho mẹ và bé.

Thông thường, nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh nở là rất lớn nhưng nguy cơ này giảm đi khi bà mẹ được điều trị trước thời gian mang thai (khi tải lượng virus đến ngưỡng phải điều trị) hạ thấp tải lượng virus và điều trị tiếp trong thời gian mang thai. Sau đó, khi sinh con em bé cần được tiêm ngay huyết thanh và vaccine ngừa viêm gan B ngay trong 24h đầu sau sinh thì nguy cơ lây nhiễm gần như là không còn.

Vì thế, bạn không nên quá lo lắng, mà hãy đến bác sỹ chuyên khoa để khám và tư vấn cụ thể. Bạn vẫn hoàn toàn có thể làm mẹ và phòng được nguy cơ lây viêm gan B cho con. Và cũng cần ghi nhớ trong thời gian mang thai, ngoài việc đi khám sản khoa vẫn phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm nhằm đảm bảo kiểm soát tốt tình trạng viêm gan B, đảm bảo sức khỏe của bà mẹ, thai nhi. Khi được kiểm soát chức năng gan định kỳ để kịp thời điều trị sẽ không có nguy cơ dẫn đến tình trạng suy gan nặng như ở trường hợp người quen của bạn.

Ngoài ra chồng bạn cũng nên đi khám để xác định có mắc viêm gan B hay không để được chỉ định tiêm vaccine hoặc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Bởi các trường hợp nhiễm virus viêm gan B mạn tính các triệu chứng thường không điển hình, rất nhiều bệnh nhân không có các triệu chứng lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.

Tuy là bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao nhưng viêm gan virus B lại hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Vì thế, với trẻ em cần tiêm ngừa vaccine viêm gan B theo đúng lịch. Với người lớn nếu chưa tiêm vaccine ngừa viêm gan B thì nên tiêm ngừa bởi tiêm vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất ung thư gan do viêm gan vi rút.

Hồng Hải (ghi)

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị