4 sai lầm chết người khiến nhận diện nhầm nấm độc

Nấm độc tán trắng chứa độc tố nguy hiểm, ăn 1 - 2 cây có thể gây chết người nhưng có màu trắng muốt bắt mắt. Ảnh: BS cung cấp.

Hai mẹ con nguy kịch vì ăn phải nấm độc

Ăn nhầm nấm độc, cả nhà 7 người nhập viện

Nhận biết nấm độc thường gặp ở Việt Nam

Nấm độc tán trắng: phân biệt bằng kinh nghiệm là rất mạo hiểm

Dưới đây là 4 sai lầm trong nhận diện nấm mà Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) chỉ ra:

Nấm trắng phau

TS. Dũng cho biết Trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng phau, mập mạp, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Không chỉ người dân, mà từng có trường hợp dược sỹ khi đi vào rừng, thấy nấm quá hấp dẫn, trắng muốt hái về ăn và không qua khỏi.

Nấm có côn trùng ăn

Nhiều người cho rằng những cây nấm có côn trùng, kiến ăn là không độc. Tuy nhiên thực tế có bệnh nhân thấy có con kiến ăn, nghĩ không độc nên yên tâm nhưng ăn xong thì tử vong.

Chó, gà ăn không chết

Quan niệm cho chó gà ăn thử nấm lạ và theo dõi 1 - 2h đã lỗi thời. Ở động vật khi ăn thường xuất hiện triệu chứng muộn, chết sau 4 - 5 ngày.

Ngoài ra, cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm có độc tố gây tác dụng trên đường tiêu hóa, sau 30 phút đến 1 tiếng ăn là đau bụng, đi ngoài nhưng không chết người, có thể cứu được.

Trong khi đó, các loại nấm gây chết người thường sau 6 - 24h mới có triệu chứng đầu tiên. Do đó đã có những người đã gặp họa vì ăn loại nấm chó, gà ăn không chết.

Do đó, quan điểm mới nhất là tuyệt đối không nên ăn nấm mọc hoang trong rừng.

Dùng bạc thử

Người dân tộc lại có cách thử nấm độc bằng cách dùng vật liệu bằng bạc chà sát lên nấm và nếu bạc thay đổi màu thì là nấm độc. Đây là cách thử hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc.

Theo Thạc sỹ Nguyên, việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy đến 13 loại nấm độc mọc hoang. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang ăn dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm. Với nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc; Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.

Làm gì khi ngộ độc?

Ngay khi có biểu hiện đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, người bệnh cũng cần tới cơ sở y tế vì đến khi các triệu chứng xuất hiện trở lại sẽ nhanh chóng rơi vào hôn mê gan, tổn thương gan.

Nếu người ăn nấm độc tỉnh táo thì hãy uống thật nhiều nước để móc họng, gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 2gr/15kg cân nặng.

Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện (vì có thể biểu hiện chậm) và mang mẫu nấm hoặc thức ăn còn lại đến cơ sở y tế.

TS. Dũng cho biết, với những trường hợp có biểu hiện ngộ độc trước 6 tiếng sau ăn, chỉ cần điều trị tại xã, huyện vài ngày là hết các triệu chứng tiêu hóa. Còn với các biểu hiện ngộ độc trên 6 tiếng sau ăn cần chuyển đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.

Những ca ngộ độc nặng, bệnh nhân suy đa phủ tạng nên tỷ lệ tử vong lên đến 50%, với chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng cho ca bệnh (dù người bệnh chỉ ăn 1 - 2 cái nấm).

TS. Dũng cũng lo lắng, thời gian tới sẽ có bệnh nhân ngộ độc nấm được đưa đến viện do người dân tộc vẫn có tập quán, thói quen hái nấm hoang trong rừng ăn.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội