Empty
Empty

Mới chỉ bước chân vào đầu khu Phùng Khoang, mùi thức ăn đã sực nức. Mùi dầu, mùi thực phẩm chiên xào bao trùm cả khu phố. Len lỏi giữa những lối đi chật hẹp kê hàng chục chiếc bàn nhựa, người ta không thể không ngửi thấy thêm cả mùi cống, cũng không thể không dẫm lên lổn nhổn giấy rác và túi nilong. Trên những mặt quầy hàng được che đậy sơ sài, ruồi nhặng bay đầy… Đó không chỉ là hình ảnh quen thuộc ở khu Phùng Khoang mà còn ở những con ngõ nhỏ bán đồ ăn bên cạnh các trường đại học tại Hà Nội.

Empty

Những gì phóng viên ghi nhận tại 3 thiên đường ăn vặt của sinh viên là chợ Phùng Khoang (gần Đại học Kiến trúc, Đại học Hà Nội), chợ Nhà Xanh (gần Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội) và ngõ Dương Khuê (gần Đại học Thương mại) có thể gói gọn trong những cụm từ đáng lo ngại: nhếch nhác, bẩn thỉu và thiếu vệ sinh.

Tại chợ Phùng Khoang, không khó để bắt gặp cảnh đồ ăn được bày bán lộ thiên. Gà nướng, xúc xích, viên chiên, ốc... được bày ngay trên đường, hoàn toàn không có tủ kính hay nắp đậy che chắn. Khói bụi và vi khuẩn từ đường phố vì thế dễ dàng bám vào đồ ăn.

Không chỉ đồ ăn không che đậy, môi trường xung quanh các quầy hàng cũng cực kỳ nhếch nhác. Ngay cạnh một xe bán viên chiên ở Phùng Khoang là rác thải vứt ngổn ngang khắp vỉa hè: túi nilong, hộp xốp, giấy bẩn chất thành đống dưới chân người ngồi ăn lẫn người bán hàng. Những thùng nước rửa bát hay lau dọn đã dùng đi dùng lại nhiều lần đến mức đen quánh và bốc mùi khó chịu đặt ngay bên cạnh nơi chế biến. Món lạp xưởng nướng đá – vốn là đồ ăn vặt “hot” được nhiều bạn trẻ yêu thích cũng để sát nền đất. Dưới gầm quầy, dây điện lòng thòng ngay chỗ chế biến và cả đồ dùng cá nhân của người bán vứt bừa bộn.

Thói quen của người bán hàng cũng là một vấn đề đáng ngại. Tại một quầy bán viên chiên, người bán thản nhiên dùng kéo cắt móng tay ngay tại quầy.

Empty

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) – một tụ điểm ăn vặt nổi tiếng khác của sinh viên Hà Nội. Nước uống pha chế được đựng trong những chai lọ cáu bẩn, xung quanh dính đầy bụi và cặn bẩn. Những khay thạch nhiều màu – nguyên liệu cho các món chè, trà sữa để ngoài trời không đậy nắp, ruồi muỗi có thể bu vào bất cứ lúc nào. Ngay bên cạnh, những ổ bánh mì chuẩn bị được bán treo lủng lẳng sát mặt đất, nước chảy lênh láng. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, bụi bẩn và mùi hôi từ rác dễ dàng ám vào thức ăn.

Tại ngõ Dương Khuê, tình trạng cũng không khá hơn. Con ngõ nhỏ cạnh trường Đại học Thương Mại này lâu nay được ví như “phố ẩm thực” dành cho sinh viên. Vào giờ tan học, ngõ chật kín thực khách trẻ. Các món khoái khẩu như bánh mì kẹp, xiên nướng, bánh tráng trộn… được bày bán ngay sát mặt đường. Nhiều quán tận dụng mọi khoảng trống: bàn ghế nhựa kê ngay cạnh cống thoát nước hoặc kế bên thùng rác công cộng. Có hàng viên chiên, khách ngồi ăn mà bên cạnh là điểm tập kết rác thải bốc mùi. Cùng nhiều quán ăn bát đũa sau khi dùng được rửa ngay trên vỉa hè, ngay sát miệng cống, nơi nước thải chảy lênh láng, trộn lẫn dầu mỡ và rác vụn

Empty

Mặc cho điều kiện thiếu vệ sinh, các hàng quán ăn vặt sinh viên vẫn thu hút đông đảo khách mỗi ngày. Vì sao bẩn mà vẫn đắt khách? Lý do chủ yếu nằm ở chỗ đồ ăn vừa hợp khẩu vị giới trẻ, lại vừa rẻ và tiện lợi. Giá mỗi xiên que, cốc chè từ vài ngàn đồng, rất vừa túi tiền sinh viên. Các quán thường ở ngay cổng ký túc xá hoặc chợ gần trường, nên chỉ cần vài bước chân là có đồ ăn nóng hổi. Nhiều bạn trẻ thú nhận sẵn sàng “tặc lưỡi” bỏ qua vấn đề vệ sinh để đổi lấy sự nhanh gọn, ngon miệng. Thậm chí có bạn còn đùa rằng một tuần 7 ngày thì mình ăn tới 4 bữa viên chiên vỉa hè, vừa vì “rẻ” vừa vì đã thành thói quen khó bỏ.

Về phía người bán, đa phần là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, gánh hàng rong hoặc thuê mặt bằng tạm. Vì lợi nhuận, họ cắt giảm tối đa chi phí và thời gian cho khâu vệ sinh. Thực phẩm “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) được nhập về dễ dàng và bán công khai, vì khách hàng ít khi yêu cầu kiểm chứng. Khi được hỏi về chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu, không ít người bán chỉ đáp qua loa rằng “sinh viên ăn suốt có thấy ai bị làm sao đâu”? Điều này càng khiến cả người bán lẫn người ăn chủ quan, phớt lờ những nguy cơ âm thầm tích tụ.

Empty

Thực trạng đồ ăn vỉa hè mất vệ sinh tại các tụ điểm sinh viên không phải là chuyện mới, nhưng dường như vẫn chưa được giám sát triệt để. Hàng quán tự phát mọc lên san sát quanh khu trường học, ký túc xá, hầu như không qua kiểm tra định kỳ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn gốc thực phẩm được người bán giữ kín, người mua cũng “không thể biết” đồ mình ăn có đảm bảo hay không. Là khách hàng nhưng sinh viên hầu như không quan tâm tới giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm hay vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng không phản ánh bất thường trừ khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ngược lại, người bán nhận thấy họ có thể thoải mái kinh doanh mà không gặp trở ngại gì. Những vi phạm như sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, chế biến cạnh cống rãnh hay tái sử dụng dầu bẩn cứ thế diễn ra công khai. Dù luật pháp cấm những hành vi mất an toàn trong chế biến thực phẩm, việc thực thi tại các quán xá vỉa hè này dường như còn nhiều bỏ ngỏ.

Thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, những quán hàng này gần như tự vận hành theo “luật riêng”, đặt lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng. Điều này đặt ra bài toán nan giải về trách nhiệm thuộc về ai: nhà trường, chính quyền địa phương hay ý thức của mỗi thực khách?

SK+ Thuc an duong pho-08 (1)
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội