Ngày bà Phạm Thị Minh Lý ở làng Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình đến bệnh viện làm phẫu thuật ghép thận cho con chồng, những người xung quanh bán tín bán nghi.
Chị Lý bên hai con trai chồng. |
Duyên muộn và sóng gió cuộc đời
Năm nay chị Minh Lý đã bước sang tuổi 45 nhưng mới lấy chồng được 5 năm, vì chị thường bảo: “Tôi không thích lấy chồng đâu. Tôi tính cứ ở như vậy cả đời”. “Kiên trì” được 40 năm thế mà chẳng hiểu sao chị lại nhận lời về sống với một người có một đời vợ. Chồng của chị Lý là anh Trương Văn Ước (SN 1960). Vợ trước qua đời vì bạo bệnh để lại cho anh hai con trai là Trương Văn Lượng (SN 1985) và Trương Văn Lân (SN 1988). Ba người đàn ông trong ngôi nhà bề bộn, buồn hiu hắt vì vắng bóng dáng người phụ nữ.
Nhà chị Lý cách nhà anh chừng 500m. Anh Ước vốn là bạn cùng quân ngũ với anh trai chị Lý, chơi thân với anh trai chị nên hay qua. Bản tính hay nói đùa, một lần anh Ước sang chơi, chị Lý đùa rằng: “Thế vợ mất rồi anh có định lấy thêm vợ hai không?. Nếu lấy thì lấy em đây này”.
Câu nói đùa vô tư của chị Lý không ngờ khiến anh Ước mất ngủ mấy đêm liền. Đắn đo nhiều nhưng mấy ngày sau anh vẫn mạnh bạo ngỏ lời hỏi cưới chị Lý. Thấy anh Ước ngỏ lời, chị Lý vừa giật mình vừa run run. Cảm giác hạnh phúc khó tả. Rồi người phụ nữ luôn nói không với việc lấy chồng ấy không hiểu nghĩ gì mà gật đầu đồng ý. “Giờ nghĩ lại tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại đồng ý, có lẽ là duyên số”, chị Lý tâm sự.
Chị Lý lấy chồng năm 2009 thì năm 2010 sóng gió bắt đầu ập đến. Con trai thứ hai của chồng bị suy thận. Ít tháng sau người con trai đầu cũng phát hiện mắc căn bệnh tương tự. Bệnh tình của người con đầu có phần nặng hơn con thứ. Bác sĩ cho hay chỉ còn một cách duy nhất để cứu cả hai là phải ghép thận. Thương cảnh con cháu còn ít tuổi mà phải mang bệnh tật, hết thảy mọi người trong họ đều đi xét nghiệm tìm thận phù hợp để giúp cháu. Nhưng ngặt nỗi chẳng có ai phù hợp, kể cả bố đẻ các cháu là anh Ước.
Chỉ cần con khỏe là mẹ vui
Nếu không có thận để ghép thì đều đặn tuần ba lần hai con của anh chị phải đi chạy thận nhân tạo, khiến kinh tế trong nhà ngày càng kiệt quệ. Thương cảnh hai con còn trẻ mà bệnh tật, nhà cửa thì không còn vật gì đáng giá nữa để chữa bệnh cho hai con nên chị Lý xin được đi xét nghiệm để ghép thận cho con. May mắn làm sao, bác sĩ cho biết thận của chị hoàn toàn phù hợp với thận của Lân, có thể ghép được.
“Ngày tôi ra bệnh viện làm phẫu thuật ghép thận, những người xung quanh chẳng ai tin. Ngay cả bác sĩ phẫu thuật cho tôi cũng phải ngạc nhiên. Họ nói không thể tin có trường hợp mẹ kế lại hiến thận để cứu con chồng”, chị Lý kể.
Lòng tốt của người mẹ kế đã khiến bà con xóm giềng, chú bác họ hàng đều cảm mến và khâm phục, họ tình nguyện cho chị vay tiền để chữa bệnh cho con. “Tiền phẫu thuật ghép thận là 300 triệu đồng. Tiền nằm viện từ tháng 3 chờ đến tháng 8 mổ, tiền xét nghiệm, ăn uống, tiền thuốc trước và sau mổ… tất cả cộng lại cũng phải đến gần 800 triệu đồng. Chồng làm thợ xây buổi được buổi không, vợ ở nhà làm ruộng thì lấy đâu ra tiền nhưng nhờ người thân, bạn bè, láng giềng giúp đỡ cháu Lân mới khỏe được như hôm nay”, chị Lý xúc động cho hay.
Lân tuy đã khỏe hơn nhưng bệnh tình của Lượng thì ngày một yếu đi. Anh Ước sau hai lần bị tai nạn giao thông gẫy chân đã già yếu hơn nhiều nên đi làm hôm được hôm không, lương tháng may ra chỉ khoảng 2 triệu đồng. Cả ba bố con đều trông cậy vào một tay chị Lý lo liệu từ việc trong nhà đến việc đồng áng. Mình chị cấy đến bảy sào ruộng, nuôi hơn 200 đôi chim bồ câu đẻ. Chị làm quần quật từ sáng đến tối không hết việc. Vậy mà người ta vẫn thấy chị cười và lạc quan lạ kỳ.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, số nợ lần ghép thận cho Lân đã trả được chỉ còn khoảng hơn 200 triệu đồng. Chị bộc bạch, nhiều lúc cũng bi quan lắm nhưng vẫn phải có niềm tin. Vì suốt ngày nghĩ ngợi rồi buồn phiền, than thân trách phận thì có ích gì. Rồi công việc nhiều nó cũng cuốn mình đi không cho mình nghĩ ngợi nữa. Lân với Lượng khỏe mạnh là chị mãn nguyện.
Chứng kiến cảnh ba mẹ con chị Lý quấn quít bên nhau như mẹ con ruột, người viết cũng thấy rưng rưng trong lòng. Con trai đầu Trương Văn Lượng rơm rớm nước mắt khi nói về mẹ kế của mình: “Mẹ Lý thật sự là một người mẹ quá tuyệt vời. Em chỉ mong mình có cơ hội được bù đắp lại cho mẹ”. Chị Lý quàng tay ôm hai đứa con, ba mẹ con cười hạnh phúc…
Bình luận của bạn