Mới nhất, 4 bệnh nhân ngộ độc nấm được chuyển đến từ Tuyên Quang sau 58 giờ bị ngộ độc nên nhập viện trong tình trạng rất nặng, đã bị suy gan cấp, tiên lượng xấu không hi vọng cứu được bệnh nhân nào.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Duệ (ảnh trên) về tình trạng này:
Thưa ông, các bệnh nhân đều bị ngộ độc một loại nấm hay nhiều loại nấm độc khác nhau?
Cả 14 bệnh nhân gồm 10 ở Thái Nguyên, 4 ở Tuyên Quang đều dương tính với độc tố của nấm tán trắng. Đây là loại nấm có màu trắng muốt, giống như nấm lành ăn được. Bà con cũng kể lại là nấu lên ăn ngọt không cần mì chính.
Được biết, trong số bệnh nhân ngộ độc nấm có người là nhân viên y tế cũng đã từng được tập huấn nhận biết nấm độc. Vậy dấu hiệu để phân biệt nấm độc tán trắng với các loại nấm khác như thế nào, thưa ông?
Trong số bệnh nhân ngộ độc nấm có một nhân viên làm ở trạm y tế, đã từng được tập huấn về nấm độc. Khi đi rừng hái nấm, người này còn cẩn thận mang về hỏi một người già trong làng, vì tin tưởng kinh nghiệm của người già, rằng nấm này có ăn được không. Khi được trả lời là ăn được, người phụ nữ này đã nấu cho cả nhà ăn và hiện cả 4 người đều trong tình trạng thập tử nhất sinh vì nấm độc.
Thực tế, để phân biệt loại nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không đơn giản, việc phân biệt bằng kinh nghiệm rất mạo hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm lại rất nhiều nấm độc như hiện nay. Vì thế tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
Thưa ông, tình trạng bệnh nhân ngộ độc nấm nặng có phải là do đến viện quá muộn?
Bệnh sẽ nặng và có nguy cơ tử vong cao nếu đưa người bệnh đến viện muộn, xử trí ban đầu không đúng cách. Trên thực tế, trong 14 bệnh nhân, đã có 4 bệnh nhân được chuyển đến sau hơn 50 giờ, lúc này, độc tố đã ngấm, người bệnh đã bị suy gan, đe dọa hôn mê gan.
Vậy khi có dấu hiệu ngộ độc nấm, y tế cơ sở phải xử trí ban đầu như thế nào, thưa ông?
Trước một bệnh nhân ngộ độc nấm, nếu có biểu hiện trước 6 tiếng kể từ thời điểm ăn, y tế cơ sở có thể để lại để điều trị triệu chứng, truyền dịch, bù nước. Còn với những trường hợp xảy ra ngộ độc chậm sau 6 tiếng là nấm rất độc, lúc này, nếu không hôn mê thì cần phải gây nôn cho người bệnh, uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố.
Đáng tiếc, than hoạt tính đã được chứng minh có hiệu quả tốt hấp thụ độc tố, giúp giảm tình trạng ngộ độc nhưng hầu hết y tế cơ sở cấp cứu chay, chỉ truyền dịch và khi quãng đường chuyển người bệnh lên tuyến trên xa, thời gian lâu, độc tố nấm càng ngấm vào cơ thể.
Tôi cũng mong mỏi hơn 2.000 bác sĩ đã được tập huấn về ngộ độc, được tuyên truyền về than hoạt tính sẽ về tuyên truyền cho địa phương, để tuyến y tế cơ sở lưu trữ như một loại thuốc thiết yếu, có hiệu quả tốt trong nhiều trường hợp ngộ độc từ ngộ độc thực phẩm, thuốc, nấm….
Xin cảm ơn ông!
Đa số bệnh nhân ngộ độc nấm là người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa nhà không có ti vi, có đài nên những thông tin cảnh báo về nấm độc người dân chưa từng được tiếp cận. Do đó, BV Bạch Mai mong muốn có những tổ chức, hội tình nguyện có thể in những tờ rơi tuyên truyền về nấm độc, phân phát đến từng bản làng, thôn xóm để cảnh báo người dân. BV sẵn sàng cung cấp thông tin khoa học, chuyên môn để in những cảnh báo này, phát đến tay người dân. |
Bình luận của bạn