Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Cần sự chung tay của cộng đồng

Đánh giá chung của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đều khẳng định, giải pháp lớn nhất, cấp thiết nhất hiện nay nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là giảm tải bệnh viện, nâng cao kiến thức phòng bệnh và tự chăm sóc sức khỏe cũng như việc nâng cao ý thức bệnh viện cho cộng đồng. Các biện pháp này cần thực hiện một cách đồng bộ, sâu rộng không chỉ ở những bệnh viện tuyến cuối mà nên thực hiện ở cả các bệnh viện tuyến huyện, tuyến xã, với sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, ban, ngành, mà quan trọng nhất là sự phối kết hợp giữa ngành y tế và các cơ quan truyền thông.


PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng

Tham luận của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định, với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ các thầy thuốc, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong ngành y tế, công tác khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Mạng lưới khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương đang dần được củng cố, hoàn thiện. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh trong những năm qua đã tạo bước đột phá trong việc tiếp cận và áp dụng kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật cao, ngang tầm với các nước phát triển, đã được triển khai như phẫu thuật ghép tạng (như ghép tim, ghép gan - những kỹ thuật khó mà nhiều quốc gia phát triển còn chưa thực hiện được), phẫu thuật tách các cặp song sinh, ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi, thụ tinh ống nghiệm... Ví dụ, riêng năm 2012, cả nước có 3 ca ghép tim, 9 ca ghép gan... Hay như kỹ thuật ghép tế bào gốc, riêng năm 2012, cả nước có 26.000 ca được thực hiện. Ngoài ra, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, các bác sỹ Việt Nam còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các nước trên thế giới. Điển hình là phẫu thuật nhi khoa, với những thành công trong kỹ thuật phẫu thuật mà GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang được bạn bè quốc tế đánh giá cao và học hỏi.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Hệ thống khám chữa bệnh đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân, góp phần tăng tuổi thọ bình quân, giảm tỷ lệ tử vong tương đương với các nước có thu nhập cao hơn ở Việt Nam nhiều lần. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam mới đạt 1.960 USD/người/năm nhưng các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam lại vượt xa so với các quốc gia có cùng thu nhập GDP, công tác khám chữa bệnh cũng không hề thua kém và có nhiều tiến bộ vượt bậc".

Tuy nhiên, trước những vấn đề nổi cộm về y tế, sức khỏe hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế cần sự phối hợp, giúp đỡ của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng. "Những thách thức cũng là trách nhiệm đặt ra với ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hiện nay tập trung cài một số vấn đề như sau: Thứ nhất là quá tải bệnh viện - hệ quả của nhiều nguyên nhân được tích lũy trong một thời gian dài. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do năng lực chuyên môn, kỹ thuật giữa các tuyến không đồng đều và sự thay đổi của mô hình bệnh tật trong những năm qua. Giảm tải bệnh viện, giảm tải thời gian khám chữa bệnh không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần có nhiều biện pháp đồng bộ, mang tính hệ thống, cơ chế trong một thời gian dài", PGS.TS Khuê khẳng định. "Thứ hai là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Đường dây nóng đã phản ánh được một vài điểm của vấn đề này, chưa phải là giải pháp điều trị tận gốc nhưng đã rung tiếng chuông cảnh báo với những con sâu của ngành y tế, góp phần vào việc nâng cao y đức cho những người đang làm việc trong ngành nghề khám, chữa bệnh này". Ngoài ra, còn một số thách thức khác mà ngành y tế phải đối mặt như nguồn tài chính còn thiếu, nhân lực quản lý còn yếu... đặc biệt là chưa thuyết phục được người dân và cơ quan truyền thông nên chưa tạo được sự đồng thuận trong các hoạt động. "Có giải quyết tốt những vấn đề, thách thức này mới có thể nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới", PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.


GS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đang bỏ quên mảng phòng bệnh hay nói cách khác làm giúp người dân chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, khẳng định: Tai biến trong y khoa là việc không thể tránh khỏi, không thể lường trước được trong hoạt động khám chữa bệnh, không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới. Ngay tại Mỹ, một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, mỗi năm cũng ghi nhận từ 44.000 - 98.000 bệnh nhân tử vong do tai biến trong y khoa. Điều đáng quan tâm hiện nay, bên cạnh việc giảm thiểu tai biến y khoa, thái độ ứng xử khi xảy ra tai biến y khoa như thế nào, không phải là chỉ trích, bắt lỗi mà nên xem xét đầy đủ nguyên nhân sai sót để tránh mắc phải trong những trường hợp sau.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Hội y học Việt Nam cho rằng: Dường như, ngành y tế đang quên mất một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là "giáo dục" cho người dân thói quen tự chăm sóc sức khỏe cho mình hay nói cách khác là giúp người dân phòng ngừa bệnh tật trong sự biến đổi không ngừng của mô hình bệnh tật hiện nay. Có thực hiện được tốt điều này mới có thể giảm tải tốt cho bệnh viện trong công tác khám và chữa bệnh - tốn rất nhiều chi phí cho cả nhà nước, ngành y tế và người dân.

Về vấn đề y đức, GS.TS Phạm Mạnh Hùng khẳng định, kêu gọi y đức, sự hy sinh của các cán bộ ngành y tế khi chưa đảm bảo được cho cuộc sống mưu sinh của họ thì đừng kêu gọi làm gì. Đó là điều không thể làm được, vì bác sỹ cũng phải mưu sinh như tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Tuy nhiên, song song với việc đảm bảo yếu tố mưu sinh, người bác sỹ cũng phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích của mình. Đây vừa là mục đích hành nghề vừa là điều kiện hành nghề. Ngoài ra, theo GS.TS Phạm Manh Hùng, phải kết hợp giáo dục y đức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong y học - hay y nghiệp.

Kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và khẳng định: Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành y tế trong việc xây dựng mới các bệnh viện tuyến trung ương, cải thiện cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện nhằm giảm tải bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn