Nâng cao năng lực y tế công cộng đối phó dịch bệnh


Sự kiện do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức, được diễn ra từ ngày 12 - 14/11 tại thành phố Đà Nẵng.Hội nghị có sự tham gia của 350 đại biểu là cán bộ y tế dự phòng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, đại diện các tổ chức quốc tế.
Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học trong khu vực chia sẻ những thông tin, thành tựu phát triển kỹ thuật mới trong phòng chống dịch bệnh và đào tạo dịch tễ học thực địa, đồng thời phát triển cơ chế hợp tác, kế hoạch hành động giữa các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa của các thành viên, góp phần đưa ra những hoạch định chiến lược trong công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực.

178 tham luận về lĩnh vực y tế công cộng, y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh được báo cáo tại Hội nghị. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị sẽ có các phiên trình bày toàn thể về ba chủ đề lớn; áp dụng bằng chứng dịch tễ học trong xây dựng chính sách về y tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong dịch tễ học; bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hội nghị cũng có năm hội thảo bên lề về hợp tác giữa cơ quan quản lý và trường đại học trong đào tạo; trình bày trước công chúng có hiệu quả; điều tra phát hiện bệnh bằng kỹ thuật số; tính toán cỡ mẫu trong dịch tễ học; phương pháp viết bài báo khoa học.

Tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu cho rằng những năm gần đây thế giới đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, xã hội cũng như sức khỏe của người dân, như dịch bệnh HIV/AIDS, dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), cúm A (H7N9), bệnh tay chân miệng...

Cùng với đó, thế giới phải đối phó với các bệnh không lây truyền như các bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh nghề nghiệp và nhiều vấn đề y tế công cộng khác.

Những vấn đề này đặt ra cho Chính phủ các nước và các tổ chức xã hội cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa tới sức khỏe của nhân dân. Chỉ khi sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt thì một quốc gia mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Để đối phó với các dịch bệnh hiện nay, cần có một hệ thống y tế công cộng đủ mạnh không chỉ ở mỗi quốc gia mà ở tầm khu vực và thế giới. Điều này sẽ giúp cho lãnh đạo các nước đưa ra những quyết định đúng đắn để thực hiện các giải pháp giải quyết các vấn đề y tế công cộng.

Bộ Y tế cho biết hiện nay Việt Nam đang phải đối phó với sự nổi lên của các bệnh truyền nhiễm, sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây truyền, cùng với đó là tác động của biến đổi khi hậu ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Các bệnh lây truyền như dịch bệnh HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét vẫn đang là những lo ngại lớn đối với Việt Nam .

Mạng lưới chương trình đào tạo dịch tễ học và can thiệp y tế công cộng (TEPHINET) được thành lập từ năm 1997. Mục đích của mạng lưới này nhằm nâng cao năng lực y tế công cộng quốc tế thông qua việc hỗ trợ và phát triển các chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa; chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm ứng dụng kỹ thuật mới trong lĩnh vực y tế dự phòng và phòng chống bệnh dịch.

Hiện nay, mạng lưới này gồm có 55 thành viên và hội nghị khoa học do mạng lưới này tổ chức được thực hiện luân phiên hai năm một lần ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực. Việt Nam chính thức gia nhập Mạng lưới chương trình đào tạo dịch tễ học và can thiệp y tế công cộng từ năm 2010.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin