Từ năm 2010 đến nay, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, từ 60% tăng lên khoảng 70% dân số. Hiện vẫn còn khoảng 30% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế, đây là con số khá cao.
Lý giải về tình trạng trên, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là do người dân có thu nhập thấp, không có tiền để mua bảo hiểm y tế. Do đó, Nhà nước cần tăng cường thêm ngân sách để hỗ trợ người dân mua bảo hiểm y tế.
Việc quy định bảo hiểm y tế mang tính bắt buộc là để đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm
của mọi người dân tham gia; đồng thời thể hiện tính ưu việt và tốt đẹp của chính sách bảo hiểm y
tế, với diện bao phủ rộng, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: mọi quốc gia luôn mong muốn và hướng
tới thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt nhất. Việc bao phủ y tế toàn dân thể hiện sự
quan tâm của Nhà nước đến người dân và tạo sự công bằng trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu
trên, hình thức bảo hiểm y tế đóng vai trò rất quan trọng.
Còn theo Tổng Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Shin Young Soo, bảo hiểm y tế là chìa khóa
dẫn đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trên thế giới đạt được
bao phủ sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế tự nguyện. Do đó, để đạt được mục tiêu lâu dài,
bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân thì bảo hiểm y tế cần thực hiện dưới hình thức tham gia
bắt buộc. Điều đó sẽ củng cố sự chia sẻ xã hội-người giàu hỗ trợ người nghèo, người khỏe hỗ trợ
người bị bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim
Tiến đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm quốc tế tại hội thảo nhằm hoàn thiện dự
thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới./.
Bình luận của bạn