Nhiều bất hợp lý trong đấu thầu thuốc vẫn chưa được kiểm soát. |
|
Đến giữa tháng 7, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM đã hoàn tất đấu thầu thuốc năm 2013. Trong 231 nhà thầu, có 184 đơn vị trúng thầu với 1.566 mặt hàng. Do Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy hoàn thành đấu thầu sớm, mới đây Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các BV TPHCM áp kết quả thầu tại bệnh viện này do TPHCM chưa đấu thầu thuốc tập trung. Từ đó nảy sinh lo ngại tăng chi phí điều trị của người bệnh khi nhiều loại thuốc trúng thầu ở đây cao "bất thường" so với kết quả đấu thầu ở các tỉnh lân cận. Theo tìm hiểu của phóng viên, loại thuốc Gabapentin viên 400mg, của Cty VN Pharma trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có giá gần 6.400 đồng trong khi trúng thầu vào Sở Y tế Bình Phước với giá 4.200 đồng. Thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do Cty dược Vĩnh Phúc cung cấp trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có giá 8.500 đồng trong khi trúng vào Sở Y tế Quảng Ninh chỉ hơn 4.300 đồng… Không chỉ bị đặt nghi vấn giá thuốc cao, nhiều loại thuốc có hàm lượng "lạ" trúng thầu vào bệnh viện này có giá cao gấp 3 lần nơi khác. Ví dụ, thuốc Ciprpfloxaci của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 400mg/200ml trúng ở BV Chợ Rẫy giá 95.000 đồng trong khi ở Đồng Nai hàm lượng 200mg/100ml chỉ hơn 17.000 đồng. Nhiều loại thuốc đóng gói "lạ" trúng vào BV Chợ Rẫy như Tobramycin Inf 80mg/ 100ml cũng có giá cao gần gấp hai lần so với kết quả trúng thầu vào Hậu Giang. Tréo ngoe hơn, nhiều loại thuốc trúng thầu vào BV Chợ Rẫy trong năm 2013 được Cục Quản lý dược cấp phép sau khi đã gửi hồ sơ vào đấu thầu tại đây. Theo tìm hiểu của PV, ngày 20/5 BV Chợ Rẫy mở thầu thuốc, nhưng thuốc Cevirflo Infusion 400mg/250 ml VD-19017-13 của Cty Pharbaco lại được cấp phép ngày 19/6. Tương tự, thuốc Loviza 750mg infusion VD-19022-13 và Solmiran VD-19023-13 của Cty Pharbaco được cấp phép ngày 19/6.
Áp đặt?
Cho đến nay, sau gần 9 tháng được thành lập, trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công (thuộc Sở Y tế TPHCM), nơi sẽ thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung cho các bệnh viện TPHCM, vẫn còn lo thủ tục. Đến nay, kết quả đấu thầu thuốc 2013 vẫn được thực hiện và theo lãnh đạo sở này hứa hẹn thì khoảng tháng 11 mới có. Vì vậy, để "chữa cháy" tình trạng thiếu thuốc điều trị đang diễn ra, sở yêu cầu các BV thành phố không được áp kết quả đấu thầu năm 2012 mà phải áp kết quả trúng thầu năm 2013 của BV Chợ Rẫy.
Trong khi đó, Chợ Rẫy là BV đặc biệt, BV tuyến cuối của Bộ Y tế và không đầy đủ các chuyên khoa. Vì vậy, các mặt hàng mời thầu tại BV này nhằm phục vụ mục đích điều trị những bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Còn các BV trực thuộc Sở Y tế TPHCM bao gồm các tuyến điều trị từ phường xã, quận huyện, các BV đa khoa, chuyên khoa với mục tiêu từ phòng bệnh đến điều trị ban đầu với những bệnh rất đơn giản và cả những bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…nên việc lựa chọn thuốc cũng cần đa dạng và bắt đầu từ những thuốc thông dụng nhất. "Đơn cử, BV Chợ Rẫy không có chuyên khoa sản hay nhi thì làm sao các BV sản, nhi của TPHCM áp được kết quả thầu thuốc của BV này?"- một bác sỹ của BV 115 phân tích. Vì vậy, theo bác sỹ này, "cần áp kết quả BV chuyên khoa khác hoặc BV tuyến tỉnh". Dù có những phản ứng về bất cập trên, nhưng ngày 22/8, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM vẫn yêu cầu các bệnh viện áp thầu theo BV Chợ Rẫy.
BV Chợ Rẫy làm đúng?
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết: "Trong năm 2013, số thuốc trúng thầu tăng giá so với gói thầu cũ khoảng 9 tỷ đồng, và số mặt hàng giảm giá khá lớn, tới hơn 26 tỷ đồng. Vì vậy không có chuyện thuốc tăng giá nhiều". Theo TS Nguyễn Quốc Bình- trưởng khoa Dược BV Chợ Rẫy, chỉ khi nào có kết quả thầu của các hội đồng mới so sánh cao thấp được. Ông Bình nói: "Thuốc của họ dự thầu nơi khác có giá thấp hơn BV Chợ Rẫy nhưng khi dự thầu vào BV Chợ Rẫy thuốc của họ đảm bảo giá thấp nhất trong các mặt hàng dự thầu thì mình không có lý do gì mà không công nhận thuốc của họ". Ông Nguyễn Minh Thảo- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc gần như chỉ áp dụng kết quả đấu thầu thuốc của một BV sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh trong lựa chọn mua thuốc có chất lượng và giá hợp lý. Trong công văn gửi UBND TPHCM hôm 30/8, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết việc áp thầu từ BV Chợ Rẫy cho toàn thành phố vô tình tạo thế độc quyền cho các nhà thầu. Đó là chưa kể, theo Bảo hiểm xã hội VN, giá thuốc trúng thầu vào BV Chợ Rẫy cao hơn một số bệnh viện tỉnh khác. Bởi thế, áp dụng kết quả ở BV Chợ Rẫy có thể gây lãng phí nguồn lực tài chính.
Bình luận của bạn