Bệnh phong (trước đây gọi là hủi) là bệnh lây nhưng không di truyền. Bệnh do trực trùng Hansen gây ra (có tính kháng toan, kháng cồn giống trực trùng Kock gây bệnh lao). Bệnh phong lây qua da và niêm mạc từ người đã mắc bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn đang phát triển bệnh, các tổn thương da và nước mũi người có rất nhiều trực trùng Hansen khiến bệnh càng dễ lây.
Dạng bệnh phong đầu tiên là bất định với các vết biến màu trên da, ranh giới không rõ rệt, mất và giảm cảm giác (châm kim không thấy đau, hơ lửa không biết nóng). Thứ hai là phong củ - dạng phong cơ thể đã có đề kháng. Củ nổi trên da, bờ gồ lên có ranh giới rõ rệt, ở giữa da có khuynh hướng lành. Củ là nơi có rối loạn cảm giác (mất cảm giác đau và nóng). Các dây thần kinh nâng to lên, nổi cục như tràng hạt thấy rõ ở thần kinh trụ (khuỷu tay) và thần kinh hông khoeo ngoài (ở đầu xương mác). Có các rối loạn cảm giác, phân ly thống nhiệt ở các đầu ngón tay. Có các rối loạn dinh dưỡng làm teo các cơ trong bàn tay, giống bàn tay khỉ, có dạng vuốt trụ ở hai ngón tay cuối, thủng và chảy nước ở gan bàn chân. Bệnh tiến triển (nếu không điều trị tốt) đi đến cụt các ngón tay, ngón chân.
Thứ ba là phong ác tính, dạng phong mà cơ thể mất đề kháng với trực trùng Hansen. Phản ứng Mitsuda (-). Đây là dạng bệnh toàn thân, các tổn thương phong, củ nổi lên ở mặt, các chi, thân mình, ranh giới không rõ rệt. Viêm mũi do phong làm hủy hoại vách mũi, có thể có tổn thương ở thanh quản, hạch, gan, lách. Mặt có thể sần sùi biến dạng như mặt sư tử khi bệnh đã tiến triển nặng.
Bác sĩ thường điều trị bệnh bằng các sulfone (DDS) sunfamide (Sultirene, Madribon), Rifampicine. Trường hợp (hủi) phong củ, sau khi khỏi lâm sàng phải điều trị 18 tháng nữa, còn đối với phong ác tính cần điều trị kéo dài vô thời hạn.
Bệnh có thể phát hiện sớm ở các trung tâm da liễu: bằng các vết biến màu ở da có rối loạn cảm giác (châm kim không đau, hơ lửa không biết nóng) và các xét nghiệm khác.
Bình luận của bạn