Nguy cơ trẻ hóa độ tuổi tăng huyết áp


Ảnh minh họa

Khoảng 11 triệu người Việt Nam tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, trong đó, áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao. Tăng huyết áp được phân thành hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Có khoảng 90 – 95% số ca được phân loại tăng huyết áp nguyên phát, dùng để chỉ các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân gây tăng huyết áp (vô căn). Chỉ có khoảng 5 – 10% số ca là tăng huyết áp thứ phát gây ra bởi các bệnh tại các cơ quan khác như thận, động mạch, tim, hệ nội tiết


"Hiện nay, tình trạng trẻ hóa độ tuổi tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim ngày càng nhiều. Điều này có thể do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc… của những người trẻ chưa hợp lý"
GS.TS. Nguyễn Lân Việt

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phòng, chống tăng huyết áp: “Theo nghiên cứu, ở Việt Nam có khoảng 11 triệu người lớn bị tăng huyết áp (từ 25 tuổi trở lên). Đây là bệnh rất phổ biến và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tim, mắt, não, mạch máu… Mặc dù nguy hiểm, nhưng những biến chứng của nó thường ngấm ngầm và ngày một nặng dần, vì vậy, người dân khó có thể phát hiện được. Và không chỉ người dân Việt Nam mà nhiều người dân ở các nước khác trên thế giới cũng chưa hiểu biết đúng và đầy đủ về căn bệnh mạn tính này”.

Tỷ lệ người dân biết mình bị tăng huyết áp không lớn và người biết bị tăng huyết áp được điều trị để đạt được huyết áp mục tiêu cũng không nhiều. “Người lớn tuổi thường bị tăng huyết áp nhiều hơn do càng lớn tuổi các mạch máu càng xơ xứng, các bộ phận trong cơ thể đều bị thoái hóa và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng trẻ hóa độ tuổi tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim ngày càng nhiều. Điều này có thể do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc… của những người trẻ chưa hợp lý”, GS.Việt cho biết thêm.

Còn theo bác sỹ Đỗ Doãn Lợi, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, số mắc tăng huyết áp ở VN tăng rất nhanh. Năm 1960 toàn dân chỉ có khoảng 1% tăng huyết áp, nhưng năm 1990 con số này là 8-9% người trưởng thành, đến năm 2008 con số này lên 25,5% và hiện ở mức 30% người trưởng thành, tương đương 10 triệu người Việt tuổi từ 25-64 bị huyết áp cao. Số mắc tăng, xác suất có biến chứng cũng tăng theo. Theo ông Lợi, trước đây nhồi máu cơ tim là bệnh “đặc quyền” ở nhóm người cao tuổi (50-60 tuổi hoặc cao hơn), nhưng hiện nay đã có những bệnh nhân lứa tuổi 30 bị nhồi máu cơ tim.

Theo đánh giá của PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, rất nhiều người trẻ đang mắc bệnh tăng huyết áp do uống nhiều bia rượu, gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và có chế độ ăn nhiều thịt, mỡ, thiếu rau xanh, quả chín. Những bệnh nhân trẻ này không có kiến thức về dinh dưỡng, có thể uống hàng chục cốc bia mỗi tối, tửu lượng rất cao nhưng lại không đặt dinh dưỡng ở nhóm kiến thức cần chú ý. “Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng vì có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy hiểm nhất là đột quỵ, ngoài ra có những biến chứng nguy hiểm không kém của tăng huyết áp là biến chứng lên mắt, thận, tim mạch... Nếu gặp biến chứng của tăng huyết áp ở mắt thì có khả năng sẽ mù vĩnh viễn, không thể điều trị bằng thay thủy tinh thể như bệnh đục thủy tinh thể”- bà Mai cho biết.

Chính vì vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tăng huyết áp, tính nguy hiểm, phổ biến do bệnh gây ra là rất quan trọng. Để phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách, hiệu quả người dân cần hình thành thói quen đi khám sức khỏe định kỳ và nên học cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Phòng bệnh tăng huyết áp

Chế độ ăn uống: Cần hình thành chế độ ăn nhạt, không sử dụng rượu bia và các chất cồn quá nhiều, hạn chế ăn mỡ động vật và thức ăn có chứa nhiều cholesterol.

Không được hút thuốc lá, thuốc lào vì nó ảnh hưởng đến nội mạc của mạch máu, nó gây ra xơ vữa mạch và gây nhồi máu cơ tim.

Chế độ nghỉ ngơi cũng rất quan trọng: Nên có chế độ nghi ngơi, tập luyện hợp lý nhất là những người có bệnh cao huyết áp (Tập thể dục, đi bộ 30 – 45 phút/ngày)

Tránh stress: Hạn chế những yếu tố gây lo âu quá mức, không nên quá căng thẳng, bức xúc…

(GS.TS Nguyễn Lân Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phòng, chống tăng huyết áp)



linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin