Nhiễm khuẩn bệnh viện tăng cao

Hơn 50 loại vi khuẩn bệnh viện
Ông L.M.H (53 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) được phẫu thuật điều trị đường tiết niệu hơn nửa tháng qua nhưng vết thương vẫn chưa lành mà có dấu hiệu lở loét, mưng mủ. Các bác sỹ giải thích trong một vài trường hợp nhiều khả năng bệnh nhân khó tránh khỏi nhiễm trùng vết mổ do vi khuẩn tấn công.

Còn chị L.T.T.H (28 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) sinh mổ tại một bệnh viện (BV) sản khoa ở TP HCM. Gần cả tháng sau ngày xuất viện, chỗ vết mổ cứ đau nhức, nhiễm trùng. Cả hai trường hợp ông H. và chị T. là nạn nhân của tình trạng nhiễm khuẩn BV.

Một khảo sát của BV Nhân dân Gia Định cho thấy tỷ lệ viêm phổi do thở máy là gần 60%. Trong đó viêm phổi do vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.Coli chiếm gần 27%, viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa chiếm 20%. Đáng lưu ý, có hơn 93% mẫu đờm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị. "Viêm phổi sau mổ là một trong những biến chứng nặng nề nhất, làm tăng tỷ lệ tử vong" - một bác sỹ cho biết.

Quá tải bệnh viện dẫn đến nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn có sức đề kháng cao

Theo TS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, hiện có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuyên gây ra bệnh nguy hiểm. Tại TP.HCM, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,56%.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết mổ do nhiễm khuẩn từ BV đã được báo động từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đáng ngại là sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng thuốc và những loại được sử dụng như vũ khí sinh học mới xuất hiện tại cộng đồng và BV, như tác nhân gây bệnh than, dịch hạch, đậu mùa, Helicobac Terpylori, HIV, Rotavirus, Hepatitis C virus có sức đề kháng rất cao.

Tăng cường kiểm soát
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nhiễm khuẩn BV được nhìn nhận bởi những vi khuẩn, vi nấm và virus. Điều này xuất phát từ công tác vệ sinh bệnh viện, vệ sinh dụng cụ y tế chưa bảo đảm tiệt trùng.

Càng lên tuyến trên càng nhiễm:

Khảo sát hơn 500 bệnh viện ở các tuyến cho thấy 40% BV chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Càng lên tuyến trên, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV càng cao. Nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn BV làm tăng thời gian điều trị thêm từ 9 - 24 ngày và tăng chi phí chữa bệnh từ 2 - 30 triệu đồng/trường hợp.
BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, cho rằng nhiễm khuẩn BV là một trong những gánh nặng thách thức hàng đầu tại Việt Nam vì gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tăng tỷ lệ tử vong, biến chứng, tăng chi phí điều trị… Thế nhưng, công tác chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng quá tải BV, bệnh nhân nằm chen chúc nhau trên một giường, thực hiện 2 - 3 ca mổ cùng lúc… đang khiến người bệnh lãnh hậu quả là bị nhiễm trùng sau mổ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hiện thế giới đang đối mặt tác nhân gây bệnh nhiễm trùng mới xuất hiện như cúm gà, lao đa kháng thuốc, các siêu vi khuẩn kháng thuốc… WHO cho rằng kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là một nhiệm vụ ưu tiên và là tiêu chí đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và các quốc gia.

Bộ Y tế đang thực hiện chương trình hành động quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh từ nay đến năm 2015, đặc biệt là chặn những loại vi khuẩn mới trỗi dậy. Chương trình này phải có những hành động quyết liệt mới hy vọng kiểm soát được tình trạng nhiễn khuẩn đang phổ biến ở các BV.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn